Làm kè sinh thái gắn với xây dựng cảnh quan xanh

17/06/2020 | 08:56 GMT+7

Từ những mô hình thí điểm ban đầu của Chi cục Thủy lợi tỉnh, kè sinh thái dần chứng minh được hiệu quả trong việc bảo vệ đất bờ sông. Năm 2020, UBND tỉnh thống nhất lồng ghép đưa mô hình vào Chiến dịch giao thông nông thôn, thủy lợi và trồng cây xanh nhờ hiệu quả thực tiễn mà nó mang lại. Trước diễn biến phức tạp của sạt lở đất bờ sông thì đây là giải pháp hiệu quả, vừa tiết kiệm được chi phí, thân thiện với môi trường, lại giúp người dân có được nguồn thu nhập từ những loại cây trồng trên đất.

Mô hình kè sinh thái được Chi cục Thủy lợi tỉnh triển khai thí điểm cách đây khoảng 3 năm, hiện được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Tùy vào cấp kênh, biên độ triều mà ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật trồng cây cho phù hợp. Vùng Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ, Vị Thanh… rất thích triển khai mô hình này.

Một hàng cừ tràm bằng vật liệu tại chỗ kết hợp lưới hoặc vải địa kỹ thuật được rào chắn bên ngoài để xáng cuốc đổ đất vào bên trong làm kè sinh thái.

Các loại cây như tràm, cây bần được trồng để giữ phù sa, chống xói mòn, giúp nền đất yếu ven bờ dần ổn định trở lại.

Ở những đoạn kè đầu tiên triển khai cho thấy hiệu quả chắn sóng, bảo vệ đất bờ sông.

Người dân tham gia chăm sóc, bảo vệ cây trồng trên đất và thu lợi từ cây trồng.

3 ưu điểm chính mà kè sinh thái mang lại là hạn chế xói mòn, sạt lở; giúp tăng tỷ lệ che phủ rừng và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, mô hình này được UBND tỉnh đánh giá rất phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL cũng đến Hậu Giang tham quan, học tập kinh nghiệm.

THÚY HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>