TÌM HIỂU PHÁP LUẬT: Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành

07/09/2021 | 07:36 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Những trường hợp nào được miễn lệ phí đăng ký hộ tịch ?

Trả lời: Điều 11 Luật Hộ tịch quy định những trường hợp sau được miễn lệ phí đăng ký hộ tịch:

1. Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;

2. Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

Cá nhân yêu cầu đăng ký sự kiện hộ tịch khác ngoài các sự kiện nêu trên, yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch phải nộp lệ phí.

Hỏi: Luật Hộ tịch quy định như thế nào về trách nhiệm đăng ký khai sinh trong nước ?

Trả lời: Điều 15 Luật Hộ tịch quy định:

1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

2. Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.

Hỏi: Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh được quy định như thế nào ?

Trả lời: Theo Điều 6, Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì:

1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Hỏi: Về cấp lại bản chính Giấy khai sinh quy định như thế nào ?

Trả lời: Luật Hộ tịch và văn bản hướng dẫn thi hành Luạt không quy định thủ tục cấp lại bản chính Giấy khai sinh; đăng ký khai sinh chỉ cấp một bản chính, cấp một lần. Do đó, các trường hợp bị mất bản chính Giấy khai sinh nhưng sổ Đăng ký khai sinh còn lưu thì sẽ được cấp Trích lục khai sinh bản sao (từ sổ gốc hộ tịch hoặc dữ liệu hộ tịch điện tử) nếu công dân có nhu cầu. Trường hợp công dân còn bản chính Giấy khai sinh nhưng sổ Đăng ký khai sinh không còn lưu, khi công dân có nhu cầu sử dụng bản sao thì chứng thực bản sao từ bản chính hoặc nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu.

Hỏi: Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký kết hôn ?

Trả lời: Khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn của UBND cấp xã như sau:

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

Điều 37 Luật Hộ tịch quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn của UBND cấp huyện như sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

2. Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.

Hỏi: Giấy chứng nhận kết hôn do UBND cấp xã cấp phải có những thông tin gì ?

Trả lời: Khoản 2 Điều 17 Luật Hộ tịch quy định giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:

1. Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;

2. Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;

3. Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.

Hỏi: Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký giám hộ, chấm dứt giám hộ ?

Trả lời: Theo Điều 19 và Điều 39 Luật Hộ tịch, thẩm quyền đăng ký giám hộ, chấm dứt giám hộ được quy định như sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký giám hộ thực hiện đăng ký chấm dứt giám hộ.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cùng cư trú tại Việt Nam.

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký giám hộ thực hiện đăng ký chấm dứt giám hộ.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>