Tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

01/07/2022 | 08:58 GMT+7

(HG) - Sáng ngày 30-6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc dự và chủ trì hội nghị.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hậu Giang.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hậu Giang, có ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu rõ, từ khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 2-2013) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong toàn xã hội. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,

củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên; trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý; trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng (bao gồm 3 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị), hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Cũng trong thời gian này, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, riêng tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can.

Thời gian gần đây, đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Cơ quan thi hành án dân sự các cấp thu hồi 61.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo thu hồi được gần 50.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.

Tại hội nghị, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam... đã báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; nêu lên những bài học kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tăng cường, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác phát hiện, đấu tranh và xử lý tham nhũng thời gian qua đã được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng; khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương, các ban chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính Trung ương cũng như địa phương, cần tiếp tục phát huy hơn nữa, tốt hơn nữa những kết quả, thành tích to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu của 10 năm qua; nỗ lực phấn đấu nhiều hơn trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới.

Trên tinh thần đó, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực... tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn lưu ý, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; chú trọng cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới...

Tin, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>