Nhiều bước tiến của ngành nông nghiệp thông qua chuyển đổi số

16/09/2021 | 17:08 GMT+7

(HGO) - Chiều ngày 16-9, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam tổ chức diễn đàn trực tuyến với một số bộ, ngành Trung ương, tổ chức quốc tế và các địa phương trong cả nước về chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam năm 2021 với chủ đề: “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19”. Tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh có ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh.

Ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đánh giá cao những hướng đi hiệu quả trong chuyển đổi số nông nghiệp.

Theo nhiều chuyên gia và địa phương trong nước thì gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đã bắt đầu quan tâm hơn đến nhiều giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Chính việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã làm “thay da đổi thịt” cho ngành nông nghiệp. Điển hình như việc sử dụng công nghệ Internet of Things (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, kiểm tra và phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp bằng các cảm biến và hệ thống quản trị dữ liệu Big data. Bên cạnh đó, việc ứng dụng robot trong nông nghiệp có thể cải thiện hiệu quả và dẫn đến năng suất cao hơn và nhanh hơn. Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) được sử dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật có thể làm giảm đáng kể việc sử dụng hóa chất nông nghiệp... Với việc nhiều doanh nghiệp, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số đã thu được không ít thành công, nhất là tạo ra các nông sản chất lượng cao, giá thành hạ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, việc ứng dụng công nghệ số trên sàn giao dịch điện tử đã góp phần tích cực trong việc tiêu thụ và thu mua hàng hóa nông sản cho người dân. 

Tại Hậu Giang, hiện ngành nông nghiệp tỉnh triển khai hệ thống thông tin nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng WedGIS; đã xây dựng, đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang”; ngành kiểm lâm tỉnh đang triển khai phần mềm QGIS để theo dõi, cập nhật diễn biến rừng hàng tháng, quý và năm; ngành thủy lợi lắp đặt 10 trạm quan trắc để đo mặn tự động; ngành thủy sản ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin - sản xuất và tiêu thụ cá tra, cũng như phần mềm VAHIS và hệ thống báo cáo dịch bệnh trên thủy sản; ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật ứng dụng phần mềm PPDMS trong công tác báo cáo điều tra, phát hiện sinh vật gây hại trên cây trồng…

Quang cảnh tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh Hậu Giang.

Đánh giá vai trò của chuyển đổi số nông nghiệp, ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản Việt Nam bế tắc, những thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ bị tác động lớn; cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ nên nền nông nghiệp Việt Nam chứng kiến cảnh nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản và hàng loạt khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, cùng với đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa thì việc chuyển đổi số được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho nông nghiệp Việt Nam. Chuyển đổi số đã trở thành bệ đỡ quan trọng trong tiêu thụ nông sản cho người dân hiện nay khi doanh nghiệp truyền thống được thay đổi sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới. Từ những thông tin quan trọng trong buổi diễn đàn thì hy vọng rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp tới đây sẽ sớm đạt 5 mục đích cuối cùng mà doanh nghiệp chuyển đổi số muốn hướng đến, gồm: Tăng tốc độ đầu ra thị trường; tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; tăng năng suất của nhân viên; mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>