Làm việc với cán bộ lão thành, Quân khu 9 về Dự án Di tích Khu ủy, Quân Khu ủy Khu 9

12/05/2022 | 16:25 GMT+7

(HGO) – Chiều ngày 12-5, tại thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã có buổi làm việc về Dự án Di tích Khu ủy, Quân Khu ủy Khu 9. Tham dự có Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cùng đại diện Quân khu 9, các sở, ban, ngành tỉnh.

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phát biểu tại buổi làm việc.

Theo dự kiến, sẽ xây dựng Dự án Di tích Khu ủy, Quân Khu ủy Khu 9 tại địa điểm ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, gồm: Nhà tưởng niệm, Nhà trưng bày, sân đường nội bộ, cây xanh và một số hạng mục phụ trợ khác… Với quy mô dự kiến khoảng 5.000m2, tổng kinh phí đầu tư xây dựng dự án khoảng 15 tỉ đồng. Thời gian qua, Hậu Giang đã thành lập tổ sưu tầm tài liệu, hiện vật, tư liệu, nhân chứng lịch sử qua đây, đã thu thập một số hiện vật, hình ảnh để trưng bày trong nhà trưng bày di tích. Nơi đây đồng chí Võ Văn Kiệt (nguyên Thủ tướng Chính phủ), khi đó là Bí thư Khu ủy; Đại tướng Lê Đức Anh (nguyên Chủ tịch nước), khi đó là Tư lệnh Quân Khu 9, từng bám trụ lãnh đạo lực lượng vũ trang Quân khu và các tỉnh giai đoạn 1969 – 1973.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị Quân khu 9 làm đầu mối thành lập Ban chỉ đạo và đồng chủ trì tổ chức Hội thảo, để có thế lắng nghe thêm ý kiến của các vị lãnh đạo, các tỉnh, thành về việc xây dựng di tích.

Ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhấn mạnh: Việc xây dựng Khu di tích Khu ủy, Quân Khu ủy Khu 9 là sự tri ân với những đồng chí lãnh đạo đã từng chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu 9 và các tỉnh. Từ chiến thắng này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã thông qua Nghị quyết 21, xác định cách mạng miền Nam phải tiếp tục tiến lên bằng con đường bạo lực cách mạng, quyết tâm cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông cho rằng: Cần phải quy hoạch mở, bởi quy mô xây dựng hướng cấp Quốc gia, kinh phí đầu tư vận động các nguồn, sự đóng góp của các tỉnh, của Quân khu, Bộ Quốc phòng, Trung ương và vận động xã hội hóa. Sau buổi làm việc lần này, Quân khu 9 cần có văn bản thống nhất để gửi báo cáo về Quân khu, Bộ Quốc phòng…

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, yêu cầu: Dự án khu di tích đã quy hoạch được diện tích bao nhiêu thì sẽ triển khai thực hiện trước. Để từ đây đến cuối năm, dự án phải được tiến hành xây dựng, tạo những nét định hình ban đầu cho di tích. Riêng đối với tên gọi được Quân khu 9 gợi ý, cần gắn cụ thể thêm thời gian từ năm 1969 – 1973.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trình bày về ý nghĩa của việc Dự án Khu ủy, Quân Khu ủy Khu 9.

* Qua buổi làm việc, Quân khu 9 đề xuất lấy tên gọi là Dự án là Quần thể Di tích Tiền phương Khu ủy, Quân Khu ủy Khu 9. Về định hướng lâu dài, tiến tới đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia, thì quy mô xây dựng cần có: Phù điêu, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, hội trường, nhà quản lý, nhà tiếp khách, phục chế nhà làm việc, hầm tránh pháo, hầm bí mật… Dự kiến tổng kinh phí khoảng 200 tỉ đồng.

Tin, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>