Hội thảo trực tuyến Kinh nghiệm phát triển điện sinh khối tại Việt Nam: Hậu Giang có nhiều tiềm năng phát triển điện sinh khối

26/11/2021 | 08:42 GMT+7

(HG) - Chiều ngày 25-11, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội thảo trực tuyến về kinh nghiệm phát triển điện sinh khối tại Việt Nam. Tham dự tại điểm cầu Hậu Giang có ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (phải) phát biểu tại hội thảo trực tuyến về kinh nghiệm phát triển điện sinh khối.

Việt Nam có nguồn sinh khối phong phú, dồi dào, có tiềm năng chuyển đổi thành năng lượng sạch bằng nhiều công nghệ hiện đại. Năng lượng sinh khối là nguồn năng lượng bền vững phù hợp với mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo nhu cầu và năng lượng trong nước. Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam, việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sinh khối còn rất thấp chỉ chiếm 0,14% lượng điện thương phẩm và chiếm 0,94% công suất lắp đặt trên toàn quốc (522,27MW).

Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước trình bày nhiều hiện trạng khai thác và tiềm năng sản xuất nguồn năng lượng sinh khối tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm phát triển năng lượng này tại các nước có nền nông nghiệp tương tự. Theo điều tra của các chuyên gia, chỉ khoảng 20% số lượng phụ phẩm ngành nông nghiệp được đưa vào sử dụng. Cần xem nguồn này như một đầu vào, kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Điểm cầu hội thảo trực tuyến tại tỉnh Hậu Giang.

Từ điểm cầu Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại hội thảo: Theo quy hoạch phát triển điện sinh khối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiềm năng điện sinh khối tại tỉnh Hậu Giang khoảng 60MW, trong đó điện trấu 30MW, rơm rạ 10MW, bã mía 20MW. Trên cơ sở đó, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện sinh khối. Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án là dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang, với công suất 20MW và nhà máy Điện trấu Hậu Giang, với công suất 10MW để tận dụng các nguồn phế phẩm, phụ phẩm của ngành nông nghiệp phục vụ sản xuất điện năng. Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Phát triển dự án THD Việt Nam nghiên cứu, tiếp cận đề xuất 2 dự án kinh tế tuần hoàn gắn với năng lượng tái tạo.

Trong thời gian tới, Hậu Giang sẽ tiếp tục thực hiện chính sách phát triển năng lượng, đặc biệt là điện sinh khối thông qua việc chọn vị trí tiềm năng, gắn với vùng nguyên liệu, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện nhanh chóng các thủ tục pháp lý, áp dụng các chính sách miễn giảm theo quy định về lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cập nhật vị trí xây dựng, dự án vào quy hoạch, thống nhất hướng tuyến và điều chỉnh bổ sung và quy hoạch điện lực tỉnh cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với tỉnh.

THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>