Trợ lực nào cho thể thao phong trào ?

22/09/2022 | 09:11 GMT+7

Dù thể thao phong trào ở Hậu Giang đã có những bước chuyển mạnh tích cực, nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến tiến trình tìm kiếm, vun bồi tài năng phục vụ thể thao thành tích cao.

Khi trời mưa, mặt sân vận động huyện Vị Thủy xuất hiện nhiều chỗ đọng nước ảnh hưởng đến quá trình thi đấu.

Cơ sở vật chất thiếu, xuống cấp

Trăn trở lớn nhất mà các địa phương trong tỉnh gặp phải khi muốn phát triển thể thao phong trào là sự hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất. Khi sân bãi hoàn thiện mới thu hút người tham gia tập luyện, nhiều giải đấu được tổ chức thường xuyên sẽ giúp chất lượng thể dục thể thao (TDTT) nâng lên rõ rệt. Còn trường hợp dù có lực lượng vận động viên đầy tố chất nhưng lại không nơi tập luyện thì họ phát huy tiềm năng ở đâu và thể thao sẽ cải thiện thành tích thế nào?

Ông Phạm Văn Chởm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Thành, cho biết: “Huyện vẫn chưa có nơi tập luyện bóng chuyền, bóng đá, cầu lông… đạt tiêu chuẩn nên đôi khi không thể phát huy được hết những thế mạnh địa phương. Không có sân bãi bắt buộc chúng tôi phải thuê mướn nơi tập luyện, nguồn kinh phí nặng. Do đó, địa phương lựa chọn ưu tiên phát triển chủ yếu vào các môn tập luyện đơn giản, ít tốn kém như điền kinh, cờ tướng để giành huy chương”.

Việc quan tâm đầu tư sân bãi tập luyện, thi đấu là nhu cầu tất yếu phục vụ sự phát triển lâu dài, giúp địa phương có thêm nhiều môn trọng điểm, thế mạnh và cải thiện thành tích. Cùng quan điểm trên, ông Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Thành phố gặp khó khăn vì chưa có sân 11 người nên khi tập luyện và ra thi đấu các cầu thủ phải thay đổi chiến thuật. Chúng tôi rất mong mỏi tỉnh quan tâm đầu tư thêm để thể thao phong trào cơ sở khởi sắc hơn”.

Những khó khăn mà các địa phương trải qua cũng được nhìn thấy rõ tại Đại hội TDTT 3 cấp nhất là việc thiếu hồ bơi, sân bóng đá 11 người, nhà thi đấu… Hay môn quần vợt ở đại hội cấp tỉnh phải dời thời gian tổ chức do không đủ lực lượng vận động viên tham gia. Ông Võ Quốc Sử, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết: “Đại hội cấp tỉnh, huyện tham gia 16/17 môn và đều có huy chương, chỉ riêng quần vợt là không góp mặt được. Lý do là trình độ, năng lực vận động viên và nơi tập luyện hạn chế. Cả huyện hiện chỉ có 2 sân quần vợt nhưng đã xuống cấp, nên ít người tham gia, dẫn đến không có vận động viên thi đấu”.

Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh có khoảng 1.600 sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời, nhưng chất lượng chưa cao, chủ yếu mang hình thức tạm bợ. Các địa phương phải nỗ lực tận dụng cơ sở vật chất sẵn có để tổ chức các giải đấu nhằm thu hút được người xem và tìm kiếm vận động viên tài năng.

Cần giải pháp tích cực

Hiện tại, do nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất thể thao còn hạn chế nên xã hội hóa được xem là giải pháp thiết yếu trong thời điểm này, hướng tới mục tiêu phát triển. Ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT để đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ tập luyện, thi đấu cho Nhân dân, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến và vùng đồng bào dân tộc. Chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đầu tư phát triển phong trào tạo điều kiện nâng cao thành tích thể thao tỉnh”. Tuy nhiên, việc đầu tư cần trên cơ sở rà soát nhu cầu thực tế của người dân và nguồn lực từng địa phương để tạo sự phù hợp, hiệu quả, tránh tình trạng dàn trải, lãng phí.

Bên cạnh đó, ngành cũng cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cán bộ thể thao phong trào, khuyến khích đội ngũ này phát huy vai trò thúc đẩy sự phát triển TDTT. Ông Võ Quốc Sử, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, chia sẻ thêm: “Mong ngành chuyên môn, tỉnh quan tâm, có kế hoạch chăm bồi, phát huy thế mạnh của từng địa phương để đầu tư, tập trung chuyên sâu tạo được nguồn lực tham gia các giải cấp khu vực, quốc gia. Kết hợp tận dụng tối đa lực lượng vận động viên trong trường học nên rất cần sự vào cuộc, chung tay của ngành giáo dục, kịp thời phát hiện những em có năng khiếu để đào tạo, tập luyện”.

Sự quan tâm, cách làm sáng tạo của các địa phương chính là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng thể thao phong trào. Với những hướng đi bài bản, có chiều sâu, phong trào TDTT quần chúng sẽ mở ra nhiều bước tiến mới cả về số lượng và chất lượng. Chiến lược lâu dài, cần thiết để nâng tầm thể thao thành tích cao là phải phát triển thể thao phong trào nhằm tìm kiếm và phát hiện ra nguồn tài năng mới hướng đến chuyên nghiệp.

Các địa phương cần quan tâm đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, nghiên cứu chỉ đạo xây dựng môn thể thao thế mạnh

- Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Các địa phương cần quan tâm đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, nghiên cứu chỉ đạo xây dựng môn thể thao thế mạnh, bồi dưỡng, đào tạo vận động viên có tiềm năng. Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn lực lượng trọng tài, cán bộ thể thao; lựa chọn những học sinh có năng khiếu để bồi dưỡng vừa học, vừa đào tạo”.

- Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh có khoảng 1.600 sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời, nhưng chất lượng chưa cao, chủ yếu mang hình thức tạm bợ...

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>