Doping và câu chuyện buồn với thể thao Việt Nam

20/09/2022 | 08:46 GMT+7

Thông tin vận động viên (VĐV) Việt Nam tham dự SEA Games 31 vừa qua có mẫu thử lần 1 dương tính với chất cấm (doping) đang nhận được sự quan tâm lớn từ người hâm mộ.

Doping luôn là nỗi ám ảnh cho thể thao nhiều nước, không riêng gì Việt Nam.

Thể thao Việt Nam từng có khoảng 20 trường hợp VĐV bị hủy hoại danh tiếng, mất sự nghiệp vì dương tính doping trong gần 2 thập kỷ qua. Việc SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà và có nhiều VĐV dương tính doping, đã tạo thành vết mờ đáng tiếc, hình ảnh một kỳ đại hội thành công chắc chắn bị ảnh hưởng lớn.

 Doping là chất kích thích thường được sử dụng khi tham gia thi đấu thể thao, có tác dụng đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, tăng thể lực, sự tập trung cho VĐV. Hầu hết số trường hợp sử dụng đều đến từ những nền thể thao ít chuyên nghiệp, nơi có sự quản lý lỏng lẻo, ý thức VĐV về sự nghiệp không tốt hoặc cũng có trường hợp sử dụng thực phẩm chức năng chưa được kiểm tra kỹ, trôi nổi. Sự cố này khiến thể thao khu vực dễ suy luận, chỉ là giải đấu mang tầm cỡ Đông Nam Á, sự cạnh tranh ít đã như vậy, liệu khi tham dự giải châu lục, thế giới, VĐV Việt Nam có thể làm gì hơn nữa?

Trước đó, để chuẩn bị SEA Games, rất ít đội tuyển của Việt Nam ra nước ngoài tập huấn thi đấu mà chủ yếu huấn luyện trong môi trường khép kín, nhưng lại dương tính doping, vậy ai là người phải chịu trách nhiệm? Ngoại trừ trường hợp cố tình dùng chất cấm để thay đổi kết quả thi đấu, những biểu hiện khác của VĐV đều có thể phát hiện, xử lý trong quá trình luyện tập. Điều này tùy thuộc vào sự tận tụy của những người thầy và kiến thức pháp luật, văn hóa mà các VĐV được chuẩn bị trong sự nghiệp của mình. Dù vô tình hay cố ý thì cũng thể hiện rõ ý thức của một số VĐV và huấn luyện viên chưa cao đã để xảy ra những vụ việc liên tiếp về doping. Nếu thông tin các VĐV giành huy chương dính doping là thật, ngoài việc bị tước thành tích, phải đối diện án phạt nặng vì hành vi phi thể thao, cấm thi đấu có thời hạn, thậm chí vĩnh viễn nếu mức độ nghiêm trọng.

Đã có nhiều bài học rất rõ ràng trong quá khứ, nền thể thao Việt Nam đang tiến một bước dài về trình độ lẫn khả năng hòa nhập, kiến thức phòng ngừa doping. Do đó, không thể chấp nhận việc VĐV chuyên nghiệp dính doping vì thiếu hiểu biết. Ngành thể thao phải nghiêm túc đánh giá tầm mức nghiêm trọng và thẳng thắn đặt vấn đề: Liệu có bao nhiêu VĐV khác của thể thao Việt Nam đã dùng doping nhưng không bị phát hiện? Để đánh giá một cách thực chất hơn công tác quản lý, trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động tập luyện và thi đấu.

Ở Việt Nam, công tác phòng, chống doping vẫn là một cuộc chiến rất gian nan, phức tạp. Trước mỗi kỳ đại hội, đoàn thể thao Việt Nam đều lựa chọn một số lượng VĐV nhất định để kiểm tra doping mà không phải là tất cả. Vì nước ta chưa có phòng xét nghiệm doping và chi phí cho một mẫu kiểm tra khoảng 300USD. Do thiếu kinh phí nên tất cả các môn thi đấu ở cấp độ quốc gia cũng không thực hiện được khâu kiểm tra doping. Việc này có thể tạo điều kiện để người trong cuộc cố tình sử dụng doping hoặc không giữ gìn thực hiện chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc chữa bệnh dẫn đến gián tiếp dương tính chất cấm.

Đằng sau mỗi tấm huy chương, ngoài sự nỗ lực của VĐV còn có dấu ấn về tiền bạc và tâm huyết đầu tư của thể thao nước nhà, nên rất cần một giải pháp mang tính bước ngoặt trong phòng, chống doping, vốn bị xem là điểm yếu nhiều năm qua.

SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam từ ngày 4 đến 23-5 vừa qua, thu hút hơn 5.400 VĐV của 11 quốc gia. Trong đó, đoàn thể thao Việt Nam có trên 950 VĐV góp mặt thi đấu ở 40 môn. Kết quả giành vị trí nhất toàn đoàn với 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc và 116 huy chương đồng.

Có khoảng 1.000 VĐV được tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên doping tại 35 trạm lấy mẫu thiết lập ở 12 tỉnh, thành, dựa trên hai yếu tố là thành tích thi đấu và nguy cơ trong việc sử dụng doping. Ngoài nước tiểu, một số trường hợp phải lấy thêm mẫu máu để phục vụ xét nghiệm phức tạp và chuyên sâu. Các mẫu kiểm tra được bảo quản nghiêm ngặt, sau đó vận chuyển sang phòng thí nghiệm tại Bangkok (Thái Lan) để làm xét nghiệm trước khi công bố kết quả.

 

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>