Ước mơ được vun bồi

13/05/2019 | 07:58 GMT+7

Nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được viết tiếp ước mơ con chữ nhờ những lớp học tình thương. Và nơi ấy, luôn có những giáo viên cống hiến thầm lặng...

Các lớp học tình thương sẽ giúp những ước mơ được vun bồi.

Đến nhà thờ Phụng Tường, ở ấp Xẻo Môn, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp vào buổi sáng sớm, nhiều người sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng như một ngôi trường nhỏ với những lớp học tình thương. Gần 27 năm, một khoảng thời gian đủ để một người trưởng thành là ngần ấy những lớp học tình thương được duy trì, vun bồi bao niềm mơ ước cho các cô, cậu học trò nhỏ. Gọi là lớp học tình thương, bởi học sinh ở đây đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, em thì mồ côi, em cha mẹ đi làm ăn xa phải ở nhà với ông bà và đều thuộc diện hộ nghèo.

Em Trần Thanh Nhã, học sinh lớp 5, cười nói: “Mỗi năm tụi em chỉ đóng 400.000 đồng để phụ tiền thuê giáo viên, nhưng hầu hết đâu đứa nào có tiền mà đóng. Nhờ mấy cô thương, nhà thờ quan tâm, tụi em được hỗ trợ tập, sách, dụng cụ học tập, học bổng nữa”. Hiện, nhà thờ có 6 lớp (từ lớp 1 đến lớp 5), với hơn 130 em học sinh. Thời gian học từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, riêng khối lớp 5 sẽ học thêm vài buổi chiều trong tuần. Mỗi em có hoàn cảnh khác nhau, nhưng tìm được điểm chung là niềm đam mê học tập, với những ước mơ đang ấp ủ.

Em Nguyễn Thị Như Huỳnh, học lớp 5, chia sẻ: “Cha mẹ em hàng ngày phải đi làm thuê, hoàn cảnh khó khăn lắm, được trường hỗ trợ em mới có điều kiện đi học. Chương trình dạy giống như các trường khác, em được học vi tính, thể dục, âm nhạc,… Cuối năm bạn nào học giỏi còn được nhận giấy khen, nên tụi em rất vui”. Các giáo viên giảng dạy đa phần đều về hưu, có kinh nghiệm, nhiều người gắn bó với nơi này từ những ngày đầu mới thành lập. Mái tóc của các thầy, cô giờ đã pha sương không chỉ bởi phấn trắng nơi bục giảng mà còn là vết hằn của thời gian. Dù vậy, vẫn không làm chùn bước, lung lay ý chí kiên định, trái tim yêu nghề, yêu trẻ mà các giáo viên đang tâm huyết thực hiện.

Cô Nguyễn Thị Diệu, chủ nhiệm lớp 1, gắn bó với lớp học tình thương từ năm 1992, dù hơn năm nay sức khỏe yếu dần do chống chọi với căn bệnh ung thư vẫn không làm gục ngã ước mơ gieo chữ nơi vùng quê nghèo. Cô Diệu bộc bạch: “Đôi lúc sức khỏe không tốt, nghỉ ở nhà một ngày là thấy nhớ lớp, bởi tôi yêu trẻ như các con của mình. Tôi chỉ hy vọng là truyền thụ lại những kiến thức mình đã biết đến các con sao cho tròn trịa nhất. Với tôi, còn sống là còn đứng trên bục giảng, không để các em vì không có điều kiện mà không biết chữ”.

Dù mang trong người căn bệnh hiểm nghèo, trải qua những cơn đau giằng xé cơ thể nhưng chỉ mỗi lúc đi điều trị cô mới nhờ người dạy thế, khi ổn định bản thân lại đến lớp đều đặn. Lớp học là nơi giúp cô Diệu tìm được niềm vui và lý tưởng cuộc sống. Số tiền 1,8 triệu đồng/tháng được nhà thờ hỗ trợ chẳng thấm vào đâu, với cô, cho các em cái chữ mới là điều quan trọng nhất. Khi có con chữ, các em sẽ nhìn nhận tốt hơn về cuộc sống, định hướng ở tương lai.

Tại các lớp học tình thương dường như đã viết nên bao nhiêu câu chuyện đẹp về tình cảm thầy trò. Những người lái đò đang lặng lẽ từng ngày chèo lái con thuyền mơ ước, gieo mầm hy vọng cho một thế hệ tương lai. Việc duy trì và phát triển các lớp học tình thương là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu từ những giáo viên tâm huyết. Nhìn các học trò nhỏ nên người, thành đạt chính là động lực, niềm vui để các thầy cô tiếp tục công việc. Lớp học tình thương không chỉ trao cho các em cơ hội tìm đến con chữ, mà còn là nơi ước mơ được vun bồi, dung hòa giữa đạo đức và tri thức.

Cô Nguyễn Thị Yên Đỗ, quản lý các lớp học tình thương tại nhà thờ, chia sẻ: “Chúng tôi dạy ở đây, chỉ mong muốn san sẻ một phần gánh nặng với nhà thờ, giúp các em có điều kiện đến lớp tốt hơn. Bản thân chúng tôi cũng tích cực vận động các mạnh thường quân để làm nguồn kinh phí hoạt động. Giáo viên được đi tập huấn, cập nhật kiến thức thường xuyên để đảm bảo hoàn thành tốt chương trình dạy giống như tại các trường tiểu học khác”.

Những ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên dường như được vẽ nên nhiều ước mơ tươi đẹp, tăng thêm vốn kiến thức, quên đi khó khăn trong cuộc sống để vượt lên trên hành trình tìm kiếm con chữ. Những giáo viên như cô Diệu, cô Đỗ lại tiếp tục cống hiến sức mình thực hiện nốt công trình đang gầy dựng. Dù còn lắm những khó khăn, nhưng khi nỗ lực thực hiện bằng cả trái tim nhiệt huyết sẽ đem đến sức mạnh thành công. Nhiều mầm non tương lai đất nước được phát hiện, vun bồi, có thêm cơ hội vươn tới những ước mơ.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>