Ông Tâm thật có tâm

22/07/2019 | 03:52 GMT+7

Thị xã Ngã Bảy là quê hương thứ hai của ông, gần cả đời sống ở đây, ông Hai Tâm (Võ Minh Tâm), ở ấp Xẻo Vông B, xã Hiệp Lợi, luôn tâm niệm trong khả năng của mình, nếu giúp được gì cho hàng xóm, láng giềng là ông sẵn sàng.

Sau nhiều năm bôn ba làm ăn, ông Tâm trở về Ngã Bảy an nhàn với vườn tược, cây cảnh và giúp đỡ nhiều người dân khó khăn trên địa bàn.

Cốt ở tình làng, nghĩa xóm

Trong căn nhà cấp 4 được xây dựng cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Sáu, ở ấp Xẻo Vông B, cứ nhắc đến, là bày tỏ lòng biết ơn đối với ông Hai Tâm. “Lúc trước, nhà cửa sắp sập tới nơi, mưa giông là tôi chuẩn bị tư thế chạy qua nhà hàng xóm trú tránh, ngày thường phập phồng lo sợ, nó rệu rã quá rồi. Thiệt may được chú Hai Tâm cho mấy chục triệu đồng để cất căn nhà ở, mới hết lo. Tôi ở có một thân một mình, cả đời có được căn nhà thế này, với tôi đó là tài sản quý giá nhất của cuộc đời mình”. Ở tuổi 78, không chồng con, không có việc làm, nên có được căn nhà này, với bà Sáu là tài sản quá lớn, nằm mơ cũng không dám nghĩ tới.

Cách nhà bà Sáu không xa, căn nhà của gia đình ông Lê Văn Lưu, ở cùng ấp, là nơi đi về của gia đình mấy thế hệ, tụ họp sau thời gian cả nhà đi Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương làm công nhân. Hai căn nhà tình thương được xây dựng đều từ số tiền hỗ trợ của ông Hai Tâm, mỗi căn từ 25 đến 30 triệu đồng. Ngoài hai căn này, ông Hai Tâm còn tặng một mái tôn cho một hộ khác ở trong ấp.

Trước nhà ông, cây Cầu Vàng được xây dựng hết mấy mươi triệu đồng là số tiền túi ông Tâm đóng góp, tạo điều kiện đi lại dễ dàng qua Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Hiệp Lợi) của hàng trăm người dân quanh ấp Xẻo Vông B. “Mình làm cầu là để cả nhà đi lại, phần thấy bà con đi xa quá mới có cầu qua sông, thấy khổ quá, nên tôi tự bỏ tiền làm chứ không có kêu gọi bà con quanh đây hùn vào. Coi như là trách nhiệm đối với quê hương thứ hai của mình”…

Nói về việc làm ý nghĩa lâu nay được thực hiện trên địa bàn, ông Hai Tâm khiêm tốn: “Bà con chòm xóm biết nhau, biết các anh chị đó nhà ở quá khó khăn, nhưng người còn khó khăn đặc biệt trong ấp, trong xã này còn nhiều, nên không thể trông chờ hỗ trợ. Mình thấy trong khả năng mình có điều kiện để hỗ trợ cho chòm xóm thì mình làm. Tình nghĩa xóm giềng mà, bán anh em xa mua láng giềng gần, giúp được đúng người khốn khó coi như là việc cần làm và nên làm”.

Luôn phản ánh nhiều ý kiến chính đáng

Nói về ông Hai Tâm, Bí thư Chi bộ ấp Xẻo Vông B Nguyễn Hữu Thành chia sẻ: “Ông Hai Tâm luôn tiên phong trong mọi việc, ở ấp, ở xã có phong trào là ông sẵn sàng hỗ trợ, không cần đến tuyên truyền dài dòng gì đâu. Ông sống giản dị, gần gũi với mọi người, tuổi 63 nhưng vẫn miệt mài chuyện vườn tược, chăn nuôi, là gương sáng ở địa phương này. Ông góp ý nhiều ý kiến thiết thực cho địa phương, thị xã và tỉnh lắm”.

Trong những lần tiếp xúc cử tri hoặc những cuộc họp với lãnh đạo thị xã được mời, ông Hai Tâm đều đóng góp ý kiến với trách nhiệm cao. Mới đây, tại cuộc họp với Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tại thị xã Ngã Bảy, ông nêu những vấn đề được quan tâm như chọn nhà thầu phải sao cho chất lượng khi xây dựng cao tốc Bắc Nam; vấn đề ô nhiễm môi trường thời gian vừa qua của những công ty, doanh nghiệp lớn chậm xử lý hay an toàn giao thông, khi nhiều vụ tai nạn xảy ra tại quanh Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A)…

Ông Tâm từng 2 lần đến gặp đại biểu HĐND các cấp, để hỏi xin ý kiến lắp một đèn xanh đèn đỏ đặt tại ngã ba từ đường vào trụ sở Đảng ủy, UBND xã Hiệp Lợi ra Quốc lộ 1A, vì nơi đây bà con đi lại đông, lại có chợ, đã có nhiều tai nạn xảy ra. Đó là những kiến nghị của tinh thần trách nhiệm, từ một tấm lòng vì mọi người của một công dân biết sống vì cộng đồng như ông Hai Tâm.

Sinh ra và lớn lên tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, nhưng thuở nhỏ ông Hai Tâm học nhiều năm tại thị xã Ngã Bảy (trước đây là huyện Phụng Hiệp). Tốt nghiệp cấp III, ông thi vào Trường sư phạm Sóc Trăng và học 2 năm, sau đó ra dạy học cấp I tại huyện Cù Lao Dung bây giờ, vì thiếu giáo viên, ông được điều động lên dạy THCS tại Trường phổ thông cơ sở Xuân Hòa khi đó. Dạy học ngay sau ngày giải phóng, hết 14 năm gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, ông Hai Tâm nghỉ dạy vì hoàn cảnh quá khó khăn. Vợ chồng ông sau đó sắm ghe đi mua lúa chà gạo, rồi đầu tư máy lau bóng gạo, kinh doanh một thời gian dài gạo lúa. “Đời sống lúc đó nghèo lắm, phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống và nuôi con, nuôi gia đình. Vùng đất Ngã Bảy này đã nuôi dưỡng tôi từ những ngày còn học sinh, rồi 10 năm, từ năm 1990 đến 2000 sống ở đây, sau đó đi làm ăn tận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hết mười mấy năm, đến năm 2017 tôi mới trở về Xẻo Vông B sống luôn. Ba đứa con tôi giờ có công ăn việc làm, cơ sở làm ăn riêng tư hết rồi”…

Trải qua những ngày vất vả, cơ cực, nên ông hiểu khốn khó của những người nghèo, nên trong điều kiện của mình, ông Hai Tâm luôn muốn giúp lại mọi người, coi như đóng góp một phần trách nhiệm với cộng đồng.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>