Nghĩa tình với quê nhà

15/07/2019 | 08:43 GMT+7

Trong căn nhà cấp 4, những người phụ nữ ngồi bên bàn máy may công nghiệp vừa làm, vừa cười nói vui vẻ. Từ ngày có cơ sở may công nghiệp tại địa phương, chị em có thêm thu nhập lo cho gia đình. Ai cũng cảm ơn chủ cơ sở này.

Vợ chồng anh Đợi (đứng) trong cơ sở may tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn ở thị trấn Búng Tàu.

Tạo việc làm cho nhiều chị em

Chủ cơ sở may công nghiệp đặt tại ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, là vợ chồng anh Nguyễn Văn Đợi và chị Phan Thị Diễm. “Tôi về quê lập nghiệp là vì mẹ già, phần vì gia đình, nhưng cũng mong muốn giúp cho bà con quê mình, những chị chưa có việc làm có công việc ổn định. Đi bôn ba đó đây rồi tôi mới thấy, phụ nữ quê mình khéo léo, nhất là với nghề may vá”, anh Đợi chia sẻ.

Bên bàn máy may, chị Ngô Thanh Hương, nhà ở ấp Tân Hưng, đang cần mẫn lần ngón tay theo đường may, “Cứ sáng đi đốn mía mướn xong, lo cơm nước rồi là trưa qua nhà anh Đợi học may, học hơn tuần nay rồi, vợ chồng anh chị nhiệt tình lắm. Tôi chỉ mong học xong được nhận vào đây làm luôn, có việc, có tiền lo cho con cái, giờ hết mía đâu có ai mướn mình nữa”, chị Hương tâm sự. Chị Hương là 1 trong 22 học viên của lớp học nghề mới mở ở cơ sở anh Đợi. Trước đó, cơ sở phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, mở được 2 lớp dạy nghề may công nghiệp. Sau 2 lớp này, anh nhận vào làm việc hơn 20 lao động. Số còn lại, các chị lấy hàng về nhà gia công, số khác lên Cần Thơ hoặc đi Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương kiếm việc.

Vợ chồng anh Đợi về tại ấp Hòa Hưng mở cơ sở may từ tháng 9-2018, tuy chưa đầy năm, nhưng được nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn biết đến vì làm ăn trả lương cho nhân công đàng hoàng, đúng với công sức lao động bỏ ra. Đang ôm xấp vải chuẩn bị vắt sổ, chị Nguyễn Thị Lượm, ở ấp Hòa Hưng, khi được hỏi công việc của mình, cười nói: “Tôi cũng làm ở Sài Gòn đâu gần 6 năm, nhưng phải về nuôi mẹ già, không thể ở trên đó làm hoài được. Thiệt may mắn là vợ chồng anh Đợi về mở cơ sở may công nghiệp, tôi xin qua làm liền. Ở quê, thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng sống khỏe lắm, sướng hơn trên Sài Gòn nhiều. Mà mừng nhất là về phụng dưỡng mẹ già”.

Còn chị Phan Thị Bé Hai, ở gần nhà anh Đợi, lâu nay quanh quẩn trong nhà lo cơm nước, không có việc ổn định, từ khi có cơ sở may, chị được dạy việc, rồi nhận vào làm, “Công việc may vá tôi cũng biết trước đây, ở nhà may quần áo cho chồng cho con, khi qua đây học may công nghiệp, mình học nhanh, dễ biết, giờ làm rành, mỗi tháng được trả 3-4 triệu đồng”.

Tất cả nhân công làm tại cơ sở của anh Đợi đều được gia đình anh bao cơm trưa. Chị Diễm, vợ anh Đợi chia sẻ: “Hồi đó, tôi ở quê ra, đi làm công, chịu khổ nhiều nên biết đời sống công nhân thế nào. Ở đây, toàn chị em quanh xóm, làm cùng nhau chia sẻ vui buồn, tuy cơ sở nhỏ lời lóm chưa nhiều, nhưng tôi nấu cho chị em bữa cơm trưa, coi như cảm ơn chị em đã gắn bó với vợ chồng tôi từ khi về đây lập nghiệp”…

Lo cho mình và lo cho mọi người

Kể về hành trình trở về quê lập nghiệp khi đã ngoài 40 tuổi, anh Đợi kể, hơn 20 năm trước, anh là một học sinh với nhiều mơ ước đi học đại học, để làm thầy làm thợ với người ta. Hết cấp III, anh lên Cần Thơ thi đại học ngành sư phạm toán, nhưng năm đó không đủ điểm đậu đại học, chỉ đủ để xét vào cao đẳng, anh muốn đi học, nhưng phần vì nhà có tới 9 anh em, nghèo, ruộng đất không nhiều, đi học sợ tốn tiền, nên anh nói với cha mẹ đi kiếm việc chứ không học tiếp. Khăn gói lên Sài Gòn đúng nghĩa với hai bàn tay trắng, trong túi khi đó chắc cũng còn dư được hơn trăm ngàn đồng, đủ để đóng ở ghép nhà trọ một tháng đầu. Anh Đợi tức tốc tìm việc. Ngày đó, các công ty, xí nghiệp may ở Thành phố Hồ Chí Minh cần công nhân, công ty mở ra nhiều, nên tìm việc không khó. Anh bắt đầu với công việc ôm vải cho các chuyền may, rồi làm bên khâu nhuộm, giặt ủi, ngồi may. Làm được việc, lại có kỹ năng, cũng tốt nghiệp 12, anh được cất nhắc lên tổ trưởng, trưởng chuyền, rồi phó phòng, trưởng phòng tại một công ty may mặc.

Lâu sau, anh có vợ, tiếp tục công việc ở các xưởng may thêm thời gian nữa… Lăn lộn gần 20 năm trên đất Sài Gòn phồn hoa, khi cầm trong tay hơn 1 tỉ đồng, anh chị quyết định về quê nhà. Kế hoạch được hai vợ chồng lập ra, ban đầu là xây nhà, sau đó đào ao nuôi cá, đắp đất làm vườn… Nghĩ sẽ thành công với công việc một nông dân sau thời gian bôn ba xứ người, nhưng cuộc sống đâu chiều lòng người, hai vợ chồng về quê bao nhiêu vốn liếng sau cất nhà đổ vào nuôi cá, làm vườn nhưng không thành công, tiền dành dụm trôi hết xuống ao và mấy cái cây thất mùa. Hai vợ chồng lại từ biệt mẹ già, khăn gói về lại Sài Gòn làm công nhân tiếp tục…

Sau khi có ít vốn, anh chị đầu tư máy móc, thiết bị mở cơ sở tư nhân nho nhỏ, nhưng mặt bằng khá đắt, hơn 10 triệu đồng/tháng. Ban đầu ít vốn mua 1 máy, 2 máy rồi được 4-5 máy, nhân công được 10 người, đa số là bà con quen biết ở quê nhà Phụng Hiệp lên tiếp. Rồi những lần về quê thăm nhà, thấy chị em quanh xóm ít việc, kiếm không ra tiền, mà may vá lại khéo, vợ chồng lại bàn nhau đưa máy móc về quê mở cơ sở, vừa giúp mình, vừa giúp được xóm làng…

Nhờ sự giới thiệu và hỗ trợ của UBND thị trấn Búng Tàu, gia đình anh làm hồ sơ vay vốn, vay 50 triệu đồng để đầu tư tiếp cho máy móc. Cả cơ sở giờ có 20 máy may công nghiệp. Tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động, người may, người vắt sổ, người cắt chỉ…

Mơ ước của anh chị là mở cơ sở may lớn hơn, để tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em nữa. Nhìn những chị em cặm cụi may, chị Diễm nhớ lại: “Khi xưa làm công nhân, đâu ít lần bị chủ trả tiền chậm trễ, có tết không tiền về quê, nhưng giờ làm chủ cơ sở may, tôi và anh Đợi luôn nói với nhau, phải trả đầy đủ cho chị em công nhân của mình, dù phải đi mượn cũng phải tính lương hàng tháng cho chị em, không được thiếu đồng nào. Chị em tin tưởng mới gắn bó, mình làm ăn không đàng hoàng, làm sao ăn nói với mọi người”.

Cơ sở may nhỏ, nhưng ấm tình người, luôn rộn tiếng cười trong tiếng máy may xình xịch, đó là cơ sở may của tấm lòng người con bôn ba bao năm với quê nhà, anh chị Đợi - Diễm, sống vì mình và vì cả người khác.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>