Nghị lực của chị Búp

20/06/2022 | 07:13 GMT+7

Vượt qua những khó khăn, mặc cảm, chị Nguyễn Thị Búp, ở ấp 12, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, nuôi con ăn học thành tài.

Chị Búp luôn động viên các con chăm chỉ học hành, cố gắng vươn lên, để có tương lai tốt hơn.

Đến nhà chị Búp vào một buổi xế chiều, lúc này, chị vẫn loay hoay ngoài vườn với bầy heo, đàn vịt. Dù bị khuyết tật, đôi chân yếu ớt, nhưng người phụ nữ này vẫn luôn chăm chỉ lao động, chắt chiu dành dụm để vun vén gia đình, nuôi nấng các con. Tuy vất vả, nhưng trên môi chị lúc nào cũng nở nụ cười lạc quan, gương mặt người phụ nữ ngoài 43 tuổi tràn đầy niềm tin vào cuộc sống.

Từ thuở mới lọt lòng, đôi chân chị đã yếu hơn so với những đứa trẻ khác. Sau một cơn sốt bại liệt, chân chị teo dần và mất luôn khả năng đi đứng, chỉ có thể bò xung quanh nhà. “Hồi đó nhà nghèo, lại ở vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại đâu có được như bây giờ. Nhưng nghe ai chỉ ở đâu có thầy hay, bác sĩ giỏi tôi đều đưa con đến trị. Có lúc cả gia đình bơi xuồng đi châm cứu ở tận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, mỗi lần đi mất cả ngày trời”, bà Phạm Thị Tông, mẹ chị Búp kể.

Nhờ sự kiên trì của gia đình và nghị lực của chị Búp, đến khoảng 5 tuổi, chị chập chững đi được những bước đầu tiên. Chị kể: “Lúc đó thấy đám bạn cùng trang lứa trong xóm được chạy nhảy, vui chơi, tôi ham lắm. Vậy là những mùa khô ráo, tôi lần theo những bẹ dừa nước, những bụi cây ven đường để đi chơi. Nhưng đến mùa mưa thì cũng chỉ có thể ngồi trong nhà, nhìn người ta được đi chơi mà mình không đi được, tôi cũng tủi thân lắm”.

Càng tủi thân, chị Búp lại càng nuôi ý chí vượt qua khiếm khuyết để được hòa nhập cùng mọi người. Lên 7 tuổi, chị bắt đầu đi học. Trên chiếc xuồng nhỏ, mỗi ngày chị phải chèo hơn 5km để đến trường. Cứ 5 giờ sáng là chị dậy để chuẩn bị cơm mang theo, bắt đầu hành trình đến trường tuy gần mà xa. 11 giờ tan học, nhưng hôm nào chị cũng chèo ghe đến tận 1 giờ chiều mới về đến nhà. Ròng rã như thế suốt 6 năm trời, giờ nghĩ tới, chị Búp còn nghẹn ngào rơi nước mắt.

Chị khóc, không phải vì vất vả, mà vì cảnh nhà khó khăn, điều kiện đi lại bất tiện, dưới chị còn 5 đứa em thơ, nên chị đành gác lại việc học của mình. Ước mơ dùng học vấn để thay đổi cuộc đời cũng vì thế mà dang dở. Thế nhưng, chị Búp chưa bao giờ từ bỏ cố gắng và khát khao vươn lên để làm chủ cuộc sống của mình. Tuy ở vùng sâu, vùng xa, nhưng chị rất chịu khó lên Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị, tập luyện, nhờ đó mà đôi chân chị thêm vững vàng, giúp chị tự chủ hơn trong sinh hoạt, đời sống nhưng chưa thể như người bình thường.

Năm 22 tuổi, chị Búp gặp và kết hôn với anh Nguyễn Văn Cương, quê ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, rồi cả hai cùng lập nghiệp tại quê chị. Những ngày đầu xây dựng gia đình, anh chị cũng gặp muôn vàn khó khăn. Do đôi chân yếu ớt, nên chị không thể đi làm thuê, làm mướn. Để đỡ đần chồng, chị cũng “buông cái này, bắt cái kia” với đủ nghề, từ chăn nuôi heo, vịt, nhận đan lục bình, cạo vỏ hạt điều gia công,... đến bắt ốc, bắt cá vào mùa nước nổi. Những năm gần đây, chị còn học nghề và nhận gói bánh tét, bánh lá dừa theo đơn đặt hàng.

Nhờ chăm chỉ làm lụng, chắt chiu tiết kiệm, đến nay, cuộc sống gia đình chị Búp đã dần ổn định và cất được căn nhà kiên cố, khang trang. Mô hình nuôi heo sinh sản được chị duy trì hàng chục năm qua cho thu nhập khá, có lúc, chuồng heo của chị có hơn chục con. Chị Búp chia sẻ: “Những năm gần đây, cuộc sống gia đình có đỡ hơn trước, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng làm lụng, tích cóp, để có đồng vốn làm ăn, tạo thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Vì mình không được học nhiều nên phải ráng cho con đi học đến nơi đến chốn, để con có nghề nghiệp ổn định, không tụ tập, vướng vào tệ nạn xã hội”.

Ước mong của chị Búp đang dần trở thành sự thật khi hai con của chị đều chăm ngoan, học giỏi. Con trai lớn của chị hiện là sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng Cần Thơ, còn con trai út cũng đang chuẩn bị vào lớp 10. Đó chính là nguồn động lực lớn nhất của người mẹ khuyết tật này.

Không chỉ chăm chỉ, nỗ lực trong cuộc sống, chị Búp còn là một người khuyết tật tiêu biểu của địa phương. Ông Lê Tấn Đạt, Phó Chủ tịch Hội Người mù - Chất độc da cam - Khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em huyện Long Mỹ, cho biết: “Chị Búp tham gia công tác hội từ năm 2016 đến nay. Tuy bị khuyết tật, điều kiện đi lại khó khăn, nhưng chị luôn là một hội viên rất năng nổ, nhiệt tình, thường xuyên đóng góp cho nhiều hoạt động của hội”.

Nghị lực và nụ cười lạc quan của chị là nguồn cảm hứng, khích lệ cho những người kém may mắn khác trong xã hội, rằng chỉ cần họ luôn cố gắng, thì họ sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp.

ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>