Hiệu quả mô hình 2 tự quản

19/07/2022 | 01:30 GMT+7

Từng là địa phương có người nghiện ma túy, nguy cơ tội phạm “tín dụng đen” xâm nhập, nhưng khi mô hình 2 tự quản “tự quản người sử dụng ma túy và tự quản tín dụng đen” thành lập (đầu năm 2019) thì ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, đã kịp thời ngăn chặn 2 loại tệ nạn, tội phạm này.

Công an xã Hỏa Lựu hỏi thăm một trường hợp trước đây từng nghiện ma túy.

N.Đ.K., năm nay 24 tuổi, hiện có gia đình và đứa con hơn 2 tuổi rất bụ bẫm, nhưng ít ai ngờ suýt nữa anh đánh mất tương lai của mình chỉ vì vướng vào “cái chết trắng”.

Do ham chơi, nên học hết lớp 10, K. nghỉ rồi theo nhóm người xấu ăn chơi dẫn đến nghiện ma túy. Trong thời gian nghiện, K. không chỉ không tiếp giúp gia đình công việc hàng ngày mà còn lén lút đem những tài sản quý giá trong nhà để bán lấy tiền mua ma túy chơi để thỏa cơn nghiện. “Lúc đó, tôi biết tác hại của ma túy đối với bản thân và gia đình, nhưng không biết làm sao để bỏ nên ngày càng lún sâu”, K. tâm sự.

Năm 2019, địa phương thành lập mô hình 2 tự quản “tự quản người sử dụng ma túy và tự quản tín dụng đen”, K. được ban, ngành, đoàn thể và gia đình vận động tham gia, rồi từ đây, “ánh sáng cuộc đời” dần mở.

Khi tham gia mô hình, K. được vận động cai nghiện ma túy tại nhà; thường xuyên được chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên, hướng dẫn cách cai nghiện; gia đình an ủi, động viên... do đó, vài tháng sau K. nói không được với ma túy.

Từ ngày từ bỏ ma túy, K. nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, thường xuyên tham gia vào các hoạt động địa phương. Cụ thể, từ năm 2020 đến giữa năm 2021, K. làm tiếp thị cho một công ty trên địa bàn thành phố; có mặt hầu hết các hoạt động địa phương như: phát quang các tuyến đường, từ thiện...

“Nếu không tham gia mô hình này thì không biết đến nay tôi lún sâu vào ma túy đến mức nào. Tôi sẽ không bao giờ vướng vào ma túy nữa, sẽ tập trung lo cho gia đình để trở thành người con, người chồng, người cha có ích, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương”, K. cho biết.

Cũng từng vướng vào ma túy, nhưng khi tham gia mô hình 2 tự quản thì được ngành chức năng, địa phương giúp đỡ, đến nay không chỉ bỏ ma túy mà N.V.N. còn có việc làm ổn định.

Năm 2018, trong một lần tụ tập bạn bè, rồi thể hiện đẳng cấp, N. thử hút ma túy một lần, sau đó nghiện. Đầu năm 2019, địa phương thành lập mô hình 2 tự quản, N. tham gia rồi được tạo điều kiện đi cai nghiện. Từ đầu năm 2020 đến nay, N. đã đoạn tuyệt với ma túy, hiện đang làm công nhân cho một công ty trên địa bàn thành phố.

Theo N., để nói không được với ma túy tất cả đều nhờ ban, ngành, đoàn thể địa phương giúp đỡ như tuyên truyền tác hại đến hướng dẫn tái hòa nhập cộng đồng, xin việc làm. “Tuy hiện tại tôi không còn sử dụng ma túy, nhưng các anh ở ấp, xã vẫn thường xuyên thăm hỏi, tuyên truyền… Đó là nguồn động viên rất lớn để tôi tiếp tục tránh xa ma túy, tập trung lo cho gia đình”, N. nói.

Đó là 2 trong 3 người nghiện ma túy trên địa bàn ấp Thạnh Phú nhưng đến nay đã từ bỏ, có việc làm ổn định, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Theo Công an xã Hỏa Lựu, năm 2019, xã thành lập mô hình trên tại ấp Thạnh Phú, vì thời điểm ấy ấp có 3 thanh niên nghiện ma túy; tình trạng dán, rải tờ rơi quảng cáo vay tiền theo hình thức “tín dụng đen” diễn ra nhiều.

Để mô hình hoạt động hiệu quả, Ban chỉ đạo mô hình lập danh sách những người nghiện ma túy tại ấp để tuyên truyền tác hại đến bản thân, gia đình, xã hội; phối hợp với gia đình tạo điều kiện cho cai nghiện; thường xuyên test nhanh các đối tượng nghiện; tuyên truyền tác hại của vay tiền theo hình thức “tín dụng đen”; hướng dẫn người dân nếu cần vốn thì đến các ngân hàng có uy tín vay; tổ chức tháo gỡ các tờ quảng cáo vay tiền dán trên cột điện, thân cây; thường xuyên phối hợp với một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền hình thức vay vốn, cũng như những chính sách ưu đãi.

Ngoài ra, lực lượng công an, quân sự thường xuyên tuần tra trên địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những tội phạm, tệ nạn ma túy; rải, dán tờ quảng cáo vay vốn theo hình thức “tín dụng đen”. Duy trì họp 1 lần/quý nhằm đánh giá mô hình để kịp thời củng cố.

Cách đây khoảng 3 năm, gia đình ông Trương Văn Lem, ở ấp Thạnh Phú có vài công đất vườn tạp, hoa lợi mỗi năm không nhiều, muốn cải tạo lại đất và trồng cây khác nhưng thiếu vốn. Trong một lần đi làm mướn về thấy một số tờ quảng cáo cho vay tiền nhanh gọn dán trên thân cây, ông Lem dự định sẽ vay. Thế nhưng, vài ngày sau, khi nghe chính quyền địa phương tuyên truyền tác hại của vay tiền theo hình thức trên, đồng thời đọc báo, xem đài thấy một số người bị hành hung, hăm dọa khi vay tiền theo dạng đó, nên ông Lem không vay.

Sau đó, ông nhờ ngành chức năng địa phương tạo điều kiện vay tiền của một ngân hàng, rồi cải tạo lại đất, trồng cây. “Cũng nhờ chính quyền địa phương kịp thời tuyên truyền tác hại của “tín dụng đen” nên tôi không vướng vào. Bây giờ, nếu cần vốn đầu tư sản xuất là tôi liên hệ với một số ngân hàng có uy tín ở địa phương vay cho an toàn”, ông Lem thông tin.

“Từ khi mô hình thành lập, không chỉ người nghiện trước đây đã từ bỏ ma túy, mà cũng không có người nghiện phát sinh; không có trường hợp người dân nào vướng vào “tín dụng đen”; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền tác hại của ma túy và “tín dụng đen” đến bà con, đồng thời sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời nắm bắt người nghiện và hoạt động vay vốn theo hình thức “tín dụng đen” trên địa bàn nhằm kịp thời xử lý, làm trong sạch địa bàn”, đại úy Nguyễn Hữu Ngân, Trưởng Công an xã Hỏa Lựu, cho biết.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>