Chủ động phòng cháy tại cơ sở xay xát

23/12/2021 | 08:54 GMT+7

Phòng, chống cháy nổ luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các loại hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ như cơ sở xay xát lúa gạo.

Ông Đặng Đình Thạo thường xuyên kiểm tra hệ thống điện để phòng ngừa cháy nổ tại cơ sở xay xát.

Hơn 20 năm làm nghề xay xát lúa gạo, ông Đặng Đình Thạo, ngụ ấp 3, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, luôn xem công tác phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình sản xuất. Ông Thạo cho biết: “Đối với các thiết bị phòng cháy chữa cháy, gia đình tôi luôn trang bị đầy đủ theo quy định. Đồng thời, cơ sở không chứa chất hàng nguy hiểm cháy, nổ như xăng, dầu; luôn cấm hút thuốc trong khu vực nhà máy để ngăn ngừa thấp nhất nguy cơ cháy nổ”.

Cũng như gia đình ông Thạo, qua công tác kiểm tra việc chấp hành an toàn về phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở xay xát của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh cho thấy, các cơ sở được kiểm tra trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến công tác này. Đa phần các cơ sở đều có thành lập đội PCCC và xây dựng phương án chữa cháy; có bố trí người trực xử lý khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, còn một vài chủ cơ sở, người đứng đầu còn thiếu quan tâm đến công tác PCCC tại cơ sở.

Thượng tá Lê Hùng Ân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh, cho biết: “Qua kiểm tra, một số lỗi thường gặp của các cơ sở xay xát như hệ thống điện trong nhà máy còn bám nhiều bụi, khâu vệ sinh công nghiệp chưa được chú trọng; bình chữa cháy có trang bị nhưng chưa đầy đủ hoặc hư hỏng không sử dụng được; có những cơ sở chỉ có trang bị bình chữa cháy mà không có máy bơm chữa cháy... Bên cạnh đó, các nhà máy xay xát có diện tích rộng, chứa nhiều bao bì, trấu, lúa gạo; ngoài trời thì không xây dựng kho, bãi để chứa trấu. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy lan và cháy lớn, thiệt hại đến tính mạng của Nhân dân và tài sản, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 26 cơ sở nhà máy xay xát lúa gạo. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ cháy nhà máy xay xát. Đơn cử như vụ cháy vào ngày 3-6-2011 tại một cơ sở xay xát tại ấp I, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy. Để dập tắt ngọn lửa, chống cháy lan, lực lượng chức năng phải ứng cứu từ đường thủy lẫn đường bộ. Sau gần 3 giờ chiến đấu, ngọn lửa mới bị khống chế hoàn toàn. Tuy nhiên, vụ cháy cũng đã làm thiệt hại hai dây chuyền sản xuất, 90 tấn lúa, 60 tấn cám và các công trình phụ với tổng thiệt hại ước tính khoảng 2 tỉ đồng.

Thượng tá Lê Hùng Ân cho biết thêm: “Công tác phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là rất quan trọng; đối với các cơ sở hoạt động xay xát lúa gạo, thời gian tới đơn vị sẽ tham mưu Giám đốc Công an tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho công nhân và chủ các cơ sở xay xát trên địa bàn; đồng thời tiến hành kiểm tra tại các cơ sở xay xát về việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác PCCC, kiểm tra các trang bị công cụ, phương tiện chữa cháy… Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy theo quy định để phòng ngừa, răn đe”.

Bên cạnh nỗ lực cố gắng của ngành chức năng thì các chủ doanh nghiệp cần hết sức đề cao cảnh giác, tuyên truyền nhắc nhở nhân viên chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy, tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn cháy nổ, quản lý chặt nguồn nhiệt, nguồn lửa, nguồn điện để qua đó đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: H.XUYÊN - Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>