Xử lý nghiêm các đối tượng quấy rối, báo tin cháy giả

01/09/2021 | 07:50 GMT+7

Đó là khẳng định của thượng tá Lê Hùng Ân (ảnh), Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Hậu Giang. Thông tin thêm về vấn đề này, thượng tá Lê Hùng Ân cho biết:

- Thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh tiếp nhận và xử lý nhiều thông tin báo cháy giả qua tổng đài 114 với mục đích trêu đùa, quấy rối, nhất là thời điểm đêm khuya, làm ảnh hưởng công tác thường trực chiến đấu, gây mất an ninh trật tự trên lĩnh vực PCCC&CNCH.

Cụ thể là tình trạng gọi điện quấy rối, báo tin cháy giả qua số tổng đài 114 thời gian qua ra sao, thưa thượng tá ?

- Hàng ngày, cán bộ trực điện thoại tiếp nhận và xử lý hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến tổng đài 114 bất kể ngày lẫn đêm, chưa nghe hết cuộc gọi này đã phải tiếp nhận cuộc gọi khác, làm tắc nghẽn, nhiễu thông tin. Tuy nhận được nhiều tin báo cháy nhưng chủ yếu là tin báo cháy giả hoặc tin báo không liên quan đến cháy, nổ, tai nạn. Các đối tượng chủ yếu là thanh thiếu niên sử dụng sim rác gọi đến để quấy rối hoặc có những lời nói xúc phạm đến cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH.

Thưa thượng tá, điều đó đã gây khó khăn gì cho lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH cũng như mức độ thiệt hại nếu không may trùng với các vụ cháy thật xảy ra ?

- Tình trạng này gây rất nhiều khó khăn cho công tác thường trực chiến đấu của lực lượng. Bởi có cháy, nổ, tai nạn thật xảy ra thì cán bộ, chiến sĩ khi trực chiến đấu luôn ở trong tình trạng căng thẳng, khẩn cấp, buộc phải di chuyển với tốc độ cao trên những trục đường có mật độ giao thông đông đúc, phức tạp, nếu sơ suất sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Đó còn chưa kể lãng phí nhiên liệu và ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Những hành vi trêu đùa thiếu văn hóa khiến đường dây nóng bị tắc nghẽn, gây nhiễu thông tin ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin cháy thật, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, làm mất an ninh trật tự trên lĩnh vực PCCC&CNCH.

Vậy làm sao ngăn chặn tình trạng gọi điện quấy rối, báo tin cháy giả qua tổng đài 114, thưa thượng tá ?

- Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng quấy rối và báo tin cháy giả, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ có liên quan phối hợp xác minh điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng quấy rối, báo tin cháy giả qua số tổng đài 114. Đồng thời, có biện pháp răn đe, giáo dục các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tái phạm hoặc vi phạm tương tự. 

Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức đầy đủ quy định của Nhà nước về công tác PCCC&CNCH, tác hại của thông tin báo cháy giả. Với hành vi báo cháy giả gây hậu quả nghiêm trọng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với đó, tăng mức xử phạt hành chính với những hành vi chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đặc biệt, các nhà cung cấp mạng điện thoại di động cần quản lý chặt thuê bao, thẻ sim và sẵn sàng phối hợp với lực lượng chức năng khi yêu cầu tra cứu để có thông tin, chứng cứ cần thiết, nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gọi điện quấy rối, báo cháy giả, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên lĩnh vực PCCC&CNCH.

Thưa thượng tá, những hành vi gọi điện quấy rối, báo cháy giả sẽ bị xử phạt như thế nào ?

- Theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì người nào có lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; người nào báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Đáng chú ý, hành vi “báo cháy giả” sẽ bị xử phạt ở mức cao hơn rất nhiều. Cụ thể, tại điểm a khoản 3, Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.

Xin cảm ơn thượng tá !

VĂN KHÓI - GIA NGUYỄN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>