Về nơi chôn nhau cắt rốn để… chia đất

04/03/2022 | 09:21 GMT+7

Tranh chấp đất đai nội tộc không chỉ làm mất tình nghĩa anh em mà còn là nỗi đau dai dẳng của nhiều gia đình.

Tranh chấp đất đai trong nội tộc còn nhiều dai dẳng.

Cũng có mấy lần các con của ông bà gom về nơi chôn nhau cắt rốn (xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ) nhưng không phải để anh chị em xúm xít kể lại chuyện hồi đó thằng Tư tắm sông bị đỉa đeo, con Sáu nấu bánh trong nhà chòi, thằng Út hay khóc khi chợt nhớ mẹ, mà là để... chia đất (tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi).

Càng nghe chuyện giành đất của họ mà càng xót xa cho đại gia đình ông bà Sáu Quý vốn khá giả, bề thế.

Ông Sáu cưới bà khi đất nước vừa bước vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ; gia cảnh nghèo khổ, sống chết nằm trong gang tấc… Tuy vậy, những cục cưng của ông bà Sáu Quý cũng lần lượt chào đời bên vòng tay yêu thương của mẹ cha. Thằng Út cất tiếng khóc khi nước nhà còn chìm trong khói lửa chiến tranh (năm 1972). Anh chị của Út là người cưng nó nhất, có gì ngon cũng để dành cho Út...

Với tài sản lớn nhất là 8 đứa con, ông bà Sáu Quý quyết chí cày cuốc để lo cho chúng sau này có cái ăn cái mặc đủ đầy (một người mất lúc nhỏ). Được cha mẹ cho lại ít đất, Sáu Quý làm lụng để mua thêm, đến gần cuối đời có đến hơn 15 công đất lúa, vườn. Mảnh đất ấy là bầu sữa ngọt ngào nuôi các con của ông lớn lên và trưởng thành, rồi họ lên Cần Thơ lập nghiệp, gia thế họ có thể nói nhìn lên thì không bằng ai nhưng nhìn xuống thì… Út cũng khá giả lắm!

Số của chị Hai lận đận hơn nên có chồng vài năm thì chia tay, vậy nên Hai về chăm từng chén cơm, giấc ngủ của mẹ cha. Lâu lâu Hai lại làm tiệc đãi mấy em về thăm ông bà. Đoàn viên như tết…

Rồi ông bà Sáu quy tiên, Hai côi cút, nhưng thương các em, chị cố gắng coi sóc mả mồ, hương khói ông bà để khi các em về nhìn mà ấm cúng. Nhưng chuyện đời đâu phải vậy.

Ngày Út về là ngày Út đòi đất. Út nói, mẹ bệnh ở Cần Thơ, Út chăm và mẹ có để lại di chúc Út được hưởng hết đất của ba mẹ, Út không cho Hai ở nhà này; mấy anh chị thứ cũng có người ủng hộ Út…

Hai khóc, Hai nuốt nước mắt vào trong. Hai kể, mẹ đã cho Hai hết đất này rồi, mẹ nói miệng nhiều lần khi mẹ còn khỏe.

Họp gia đình bàn nhau không đi đến thống nhất nên Hai và Út cùng mấy người muốn có đất của cha mẹ làm… kỷ niệm, gởi đơn ra ấp hòa giải. Ra ấp, ra xã thật ra chỉ cho có lệ thôi chứ mấy người gia thế “nhìn xuống không ai bằng” muốn đưa thẳng ra tòa xử cho dứt sớm, vì họ có di chúc, có pháp lý trong tay.

Và chuyện đời đâu phải vậy là xong.

Lần xử đầu tiên cách nay hơn 10 năm, Tòa phán Hai được kiện, được ở đất đó mà coi sóc mả mồ, hương khói mẹ cha, canh tác lâu dài, nhưng Út thì không, Út kháng cáo…

Rồi Hai với Út và anh chị em thứ lại ra tòa. Cấp phúc thẩm hủy án, cấp sơ thẩm lại tiếp tục mời Út với Hai…

Mười mấy năm rồi các con ông bà Sáu Quý kéo nhau ra tòa vì đất. Bầu sữa ngày nào giờ không mang hương vị ngọt thơm mà nó chát đắng…

Dự kiến là tháng 3 hay tháng 4 này, tòa sẽ mời các con của ông Sáu Quý để xử sơ thẩm lại lần thứ 3. Trong câu chuyện của mình về vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ Nguyễn Thị Thúy Ngoan như có gì đó chạnh lòng, thấy họ tranh chấp, giành giật nhau thua người dưng đối xử với nhau.

“Mấy phiên tòa trước, họ ngồi 2 bên nguyên - bị tách biệt rõ ràng, xưng hô nhau bằng các đại từ khó nghe, không còn vai vế gì hết, đốp chát không thua nhau câu nào; ra khỏi tòa là ầm bung cự cãi, hăm he nhau đủ điều”, bà Ngoan kể.

Rồi bà Ngoan trầm ngâm: Trong vụ này, có đương sự học thức cao lắm, có người làm nông dân; bây giờ họ lập bàn thờ cha mẹ ở Cần Thơ, giỗ quải riêng lẻ hết.

Có đến 70-75% đơn tranh chấp đất đai trong dòng tộc trong tổng số đơn về đất đai tòa này thụ lý hàng năm. Điều này được thống kê, đánh giá lâu rồi và nay còn dai dẳng, chưa thể chấm dứt trong thời gian ngắn tới đây. “Có nhiều nguyên nhân nhưng chính yếu là về lợi ích kinh tế; như vụ án trên, nếu bên thắng kiện được mười mấy công đất đó, giá trị bây giờ cũng bạc tỷ nên họ đeo đến cùng”, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ nói.

“Đeo đến cùng” để được đất ư?

Mười mấy năm tranh chấp, các bên của Hai và Út đâu ai nhìn mặt ai. Rồi thắng thua cũng sẽ đến. Cái ngày Út thắng Hai thua hay Hai thắng Út thua sẽ như thế nào đây? Niềm vui trọn vẹn lắm phải không?

Cũng sớm thôi các con của ông bà Sáu Quý lại gom về nơi chôn nhau cắt rốn để… nghe tòa chia đất.

“Đồng tiền đi liền khúc ruột” hay “Máu chảy ruột mềm”?

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>