Tìm hiểu pháp luật: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

11/11/2021 | 10:07 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định như thế nào về sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc ?

Đáp: Tại Điều 29 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc:

- Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc-xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.

- Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

- Miễn phí sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trong các trường hợp sau:

+ Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch;

+ Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch;

+ Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.

Hỏi: Điều kiện và thẩm quyền công bố hết dịch ?

Đáp: Theo Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm:

- Điều kiện để công bố hết dịch bao gồm:

+ Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

+ Đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Mục 3 Chương IV của Luật này.

- Người có thẩm quyền công bố dịch có quyền công bố hết dịch theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Luật này.

Hỏi: Nguyên tắc và thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch ?

Đáp: Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định nguyên tắc và thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch:

- Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

+ Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp;

+ Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>