Thi hành hiệu quả Bộ luật Tố tụng dân sự

10/09/2021 | 09:41 GMT+7

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 ra đời đã đáp ứng kịp thời sự phát triển giao dịch về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động... Trên địa bàn tỉnh, sau gần 5 năm thực hiện BLTTDS, công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự của ngành kiểm sát đạt nhiều kết quả tích cực.

Một vụ việc tranh chấp dân sự có sự tham gia của kiểm sát viên (ảnh tư liệu).

Được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25-11-2015, BLTTDS năm 2015 có nhiều quy định mới so với trước, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Ông Trần Quang Khải, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh, cho biết, để thực hiện tốt chức năng kiểm sát theo quy định, ngay sau khi BLTTDS năm 2015 có hiệu lực thi hành, Viện KSND tỉnh đã tổ chức triển khai cho toàn thể cán bộ, kiểm sát viên hai cấp, nhất là cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự nắm bắt và thực hiện. Trong đó, chú trọng vào các quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên so với BLTTDS năm 2004.

Thống kê của Viện KSND tỉnh cho thấy, qua 5 năm thực hiện BLTTDS, viện KSND hai cấp đã thụ lý kiểm sát 18.100 vụ, việc sơ thẩm và trên 1.000 vụ việc phúc thẩm; kiểm sát viên hai cấp tham gia 3.527 phiên tòa sơ thẩm, 662 phiên tòa phúc thẩm đối với các vụ, việc dân sự.

Theo đánh giá chung, hoạt động của kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp đều bảo đảm đúng quy định BLTTDS và hướng dẫn của Viện KSND Tối cao. Tại các phiên tòa, kiểm sát viên đều tích cực tham gia hỏi để kiểm tra chứng cứ và làm rõ bản chất vụ án; chủ động theo dõi diễn biến phiên tòa và bút ký đầy đủ các nội dung; phát biểu quan điểm rõ ràng, rành mạch, thuyết phục, thể hiện được vai trò của viện kiểm sát tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự.

Cùng với đó, viện kiểm sát hai cấp đã chủ động phối hợp tòa án tổ chức 175 phiên tòa rút kinh nghiệm giúp kiểm sát viên, hội đồng xét xử nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Từ đó, thấy được những mặt mạnh và điểm yếu của kiểm sát viên để kịp thời khắc phục, đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành cũng bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế cần được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Theo ông Nguyễn Đồng Khởi, Trưởng phòng Kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự - hành chính, Viện KSND tỉnh, Điều 7 BLTTDS quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, tòa án, viện kiểm sát tài liệu, chứng cứ mà mình lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, tòa án, viện kiểm sát… trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, tòa án, viện kiểm sát”, tuy nhiên, thực tế, việc thi hành quy định tại Điều 7 còn nhiều khó khăn bởi một số vụ án tranh chấp dân sự, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu chứng cứ không kịp thời, đặc biệt việc phối hợp trong việc xác minh thu thập, đánh giá chứng cứ, định giá quyền sử dụng đất,... ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng giải quyết án”.

Đồng thời, một số quy định của BLTTDS năm 2015 cũng khiến việc kiểm sát tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự gặp nhiều bất cập. Cụ thể như BLTTDS quy định tòa án chỉ được tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ khi đương sự có yêu cầu, nếu đương sự không có yêu cầu thì tòa án không thể tự mình tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ được; theo quy định tại Điều 101 BLTTDS, trong thành phần tham gia xem xét thẩm định tại chỗ  lại không có đại diện viện kiểm sát.

Ông Trần Quang Khải thông tin, từ thực tế đó, Viện KSND tỉnh đề nghị các cấp có thẩm quyền cần sớm tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2015, phù hợp với thực tiễn thi hành, bảo đảm BLTTDS thực sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>