Tai nạn giao thông đường bộ và những biện pháp kiềm chế

01/10/2021 | 08:13 GMT+7

Bài 2: Những “điểm đen” tai nạn giao thông

Hàng năm, ngành chức năng, địa phương rà soát, thống kê, thực hiện các biện pháp để xóa các “điểm đen” tai nạn giao thông; do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan nên hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít.

Một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường nông thôn ở huyện Phụng Hiệp.

“Điểm đen” tai nạn giao thông đường bộ là nơi mà trong vòng 1 năm xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông có người chết; 3 vụ tai nạn trở lên, trong đó 1 vụ có người chết; 4 vụ tai nạn trở lên, nhưng chỉ có người bị thương.

“Điểm đen” quốc lộ

Những năm qua, huyện Phụng Hiệp không chỉ nằm trong tốp đầu về số vụ tai nạn giao thông của tỉnh mà còn có nhiều “điểm đen” tai nạn chưa thể xóa được. “Huyện có 2 “điểm đen” tai nạn giao thông là đoạn từ cầu Tầm Vu đến thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A (Quốc lộ 61) và đoạn giáp ranh giữa xã Tân Long và xã Long Thạnh (Quốc lộ 1). Đầu năm đến nay, 2 điểm này xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông trong toàn huyện, chưa kể các vụ va quẹt”, thượng tá Phạm Minh Phục, Trưởng Công an huyện Phụng Hiệp, thông tin.

Đoạn từ cầu Tầm Vu đến thị trấn Rạch Gòi là “điểm đen” khó xóa do mặt đường hẹp, trong khi hàng ngày lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, nhất là công nhân, học sinh nhưng nhiều lái xe chạy quá tốc độ, vi phạm làn đường, thiếu quan sát khi từ đường phụ ra đường chính hoặc đột ngột qua đường mà không có tín hiệu báo hướng rẽ.

Ngoài ra, trên tuyến này còn tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu; người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội nón bảo hiểm; chở quá số người quy định; người dân mua bán gắn bảng hiệu, bục bệ lấn chiếm hành lan ATGT… Đầu năm đến nay, đoạn này xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông, làm 2 người chết.

Anh Nguyễn Văn Khả, tài xế xe tải thường xuyên qua lại đoạn này, cho biết: “Mặt đường ở đây hẹp nhưng lưu lượng phương tiện, nhất là xe khách, xe tải qua lại lớn; nhiều lái xe còn phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn… Mỗi lần qua đoạn đường này, tôi chạy tốc độ vừa phải và tập trung quan sát cao độ”.

Tương tự, Quốc lộ 1 qua địa bàn huyện Châu Thành A dài khoảng 6km nhưng đầu năm đến nay xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông, nguyên nhân cũng như “điểm đen” trên.

Công an huyện Châu Thành A thông tin, đoạn này cảnh sát giao thông Công an huyện không được phép tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm mà do Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh phụ trách; do lượng cán bộ, chiến sĩ hiện khá mỏng nên khó mà có mặt thường xuyên trên tuyến để xử lý vi phạm.

Tỉnh lộ, đường nông thôn phức tạp

Những năm gần đây, tai nạn giao thông ở tỉnh lộ, đường nông thôn chiếm trên 40% tổng số vụ. Có những đoạn hầu như năm nào cũng xảy ra từ 1-2 vụ, chưa kể va quẹt. Trong đó, vụ tai nạn giao thông ở ấp 6, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, xảy ra cách nay hơn 5 tháng nhưng vẫn làm nhiều người ám ảnh.

Theo đó, khoảng 20 giờ 30 phút ngày 18-4, Lê Hoàng Bảo, ở xã Hòa Mỹ, điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 65P6-8001 đi trên đoạn đường nông thôn từ thị trấn Kinh Cùng đến cầu Xáng Bộ thì đụng vào xe mô tô biển kiểm soát 95F4-3091 do Trần Quốc Vinh điều khiển, chở phía sau là Lê Minh Khởi, cả 2 cùng ngụ xã Hòa Mỹ. Hậu quả, Bảo chết tại chỗ, Vinh chết trên đường đi cấp cứu, Khởi bị thương nặng.

Hay khoảng 15 giờ 45 phút ngày 2-3, ông Đ., đăng ký thường trú ấp 4A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 62B1-015.43 hướng từ đường nội bộ khu dân cư đến đường công vụ 4.000. Khi đến điểm giao nhau giữa đường công vụ với Tỉnh lộ 931B thì va chạm với xe mô tô do Q., đăng ký thường trú ấp 4A, xã Tân Hòa, điều khiển hướng từ đường nội bộ khu dân cư đi Tỉnh lộ 931B. Hậu quả, ông Đ. tử vong…

Qua đánh giá, phân tích, ở nông thôn, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông cũng phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông; các lỗi chủ yếu là phóng nhanh, không làm chủ tốc độ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng say rượu, không nhường đường...

“Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, ATGT của các cơ quan chức năng cũng là điều đáng quan tâm. Tuy đã được tăng cường nhưng có lúc, có nơi chưa thường xuyên, đúng trọng tâm, trọng điểm; chỉ tập trung tại các tuyến quốc lộ, còn lộ nông thôn gần như bỏ ngỏ nên nguy cơ mất ATGT luôn tiềm ẩn”, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Ban ATGT tỉnh, cung cấp thêm thông tin.

Để đạt mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả 3 tiêu chí so với năm 2020 thì ngành chức năng, địa phương cần có biện pháp căn cơ, hữu hiệu hơn nữa.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Bài 3: Phát huy hơn nữa những cách làm hiệu quả

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>