Chuyện làm báo ở chốn pháp đình

21/06/2022 | 13:09 GMT+7

Với những phóng viên được phân công theo dõi các hoạt động của tòa án, không ít đồng nghiệp tỏ ra ái ngại bởi khi nói đến tòa, người ta thường nghĩ đến kiện tụng, tội phạm, cái ác... Nhưng đằng sau sự khô khan của những phiên tòa là rất nhiều câu chuyện; và trên tất cả, chính từ những phiên tòa, người dân lại có thêm một cách tiếp cận với pháp luật hiệu quả, điều mà những người cầm bút hướng tới.

Phóng viên tham gia tác nghiệp tại phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo với trên 800 bị hại.

Phần lớn người khi nhắc đến 2 từ “tòa án” đều có tâm lý e ngại, bởi ở đó dường như chỉ có nỗi đau, nước mắt, sự trừng phạt, trả giá… Tuy nhiên, đối với phóng viên theo mảng “pháp đình”, đó là công việc tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật đối với người dân và xã hội. 

Với tôi, gần 7 năm được phân công phụ trách mảng pháp luật, tham dự gần 100 phiên tòa lớn, nhỏ; từ những vụ đánh bạc các bị cáo chỉ chơi có vài chục ngàn đồng phải ra đứng trước tòa, đến những vụ trọng án hiếp dâm, giết người, cướp tài sản; cả những vụ án lừa đảo mà người dự khán đứng chật cả sân tòa. Với mỗi vụ việc tham gia tác nghiệp, đều để lại trong tôi những ký ức, cung bậc cảm xúc, nơi được ví von là ít khi có niềm vui mà nhiều nước mắt.

Trong mỗi vụ án đã trải qua, có những câu chuyện riêng. Và tại tòa, câu chuyện không chỉ xoay quanh cáo trạng truy tố và những người liên quan, mà ngoài hành lang, bên quán nước trong sân tòa, cũng là nơi những người làm báo có thể nghe những câu chuyện nhiều chiều từ chính những người thân của cả bị hại và bị cáo. Để rồi từ đó, sử dụng ngòi bút để truyền tải thông tin đến bạn đọc một cách trung thực, khách quan, hướng đến những điều tốt đẹp.

Thông thường, giờ tòa nghị án, tôi tranh thủ tác nghiệp, hỏi thăm bị cáo, người nhà của họ lẫn bị hại để có thêm thông tin phục vụ cho bài viết. Nhưng để họ mở lòng nói ra thật không dễ bởi lúc nào ở họ cũng là sự cảnh giác cao độ đối với phóng viên.

Có những lần tác nghiệp có người nói thẳng: “Xin đừng đưa thông tin chúng tôi lên báo”. Cũng có người “hiền” hơn, năn nỉ, xin đừng đưa tên, chụp ảnh. Lẽ thường, ai lại muốn đưa cái xấu của mình, của người thân lên cho người khác bình phẩm, soi mói. Nhưng vì công việc, dù trong lòng không muốn, nhưng với vai trò là phóng viên và trên cơ sở quy định pháp luật, nguyên tắc của nghề nghiệp, tôi cũng không thể làm khác được.

Còn với chị Anh Đào, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, là phóng viên theo dõi mảng pháp luật với thâm niên trên 10 năm, chị cũng thường xuyên tham dự các phiên tòa xét xử. Với mỗi vụ án qua đi đều đọng lại trong chị ít nhiều những cung bậc cảm xúc.

Chị Đào cho biết: “Tôi không thể quên được vụ án lừa đảo 160 tỉ đồng của cựu giám đốc Khu du lịch sinh thái Phú Hữu, huyện Châu Thành với gần 800 bị hại. Đây là vụ án lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn tỉnh. Khán phòng xét xử chật cứng người dân đến dự khán phiên tòa, thậm chí tòa còn phải cho che thêm nhiều gian rạp để đủ cho người dự kháng phiên tòa. Nhìn thấy, nước mắt người dân khi tất cả tài sản đổ dồn vào các dự án mà các bị cáo vẽ nên, ôm trái đắng vì muốn sinh lời, khiến tôi không khỏi chạnh lòng”.

“Sau khi phiên tòa kết thúc, tôi vẫn loay hoay câu hỏi trong đầu đến bao giờ bị cáo mới trả hết số tiền cho bị hại”, chị Đào tâm sự.

Với chị Đào, khi tác nghiệp ở các phiên tòa, chứng kiến nhiều cảnh cha mẹ già của bị cáo hay anh chị em của họ vật vã khóc than, dù mủi lòng, chua xót, muốn an ủi một lời để chia sẻ phần nào nỗi đau của họ, nhưng vì nhiệm vụ chung, người làm báo vẫn phải làm việc một cách nhanh chóng, trung thực, khách quan nhất để truyền tải thông tin đến với người dân.

Thực tế cho thấy, tuyên truyền pháp luật từ những phiên tòa thông qua báo chí là một trong những kênh thông tin hiệu quả. Có thể thấy giữa tòa án và báo chí có mối quan hệ khăng khít và tương hỗ nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật cho Nhân dân, qua đó góp phần nâng cao dân trí.

Ông Trương Đình Nghệ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, chia sẻ: “Có thể khẳng định, tại các phiên tòa, sự tham gia của báo chí trong việc đưa tin về công tác xét xử chính là một trong những điều kiện quan trọng để công tác tuyên truyền pháp luật đạt được hiệu quả. Thông qua việc đưa tin về các vụ án, các cơ quan báo chí nói chung đã giúp cho tòa án hai cấp của tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử mà Đảng, Nhà nước cũng như Tòa án nhân dân tối cao giao phó...”.

Cũng theo ông Trương Đình Nghệ, mối quan hệ gắn bó, tốt đẹp giữa báo chí với tòa án hai cấp của tỉnh chính là tiền đề quan trọng cho công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn. Tòa án nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến Nhân dân.

Thực tế đã cho thấy, tham dự tòa và viết về những vụ án tại tòa, người cầm bút không những có nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng pháp luật cho người dân mà qua tác phẩm của mình để cảnh tỉnh mọi người cần tránh những việc làm phạm pháp; đồng thời khơi gợi sự bao dung của xã hội đối với người phạm tội biết ăn năn, hối cải. Báo chí không chỉ làm nhiệm vụ tường thuật lại các phiên tòa một cách giản đơn mà qua đó thông tin thêm cho bạn đọc một góc nhìn khác nhân văn hơn...

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>