Nông nghiệp Việt Nam: Hướng đến khát vọng vươn tầm

03/12/2021 | 09:05 GMT+7

Là “trụ đỡ” của nền kinh tế, nhưng ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Do đó, để phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết.

Trồng rau tại HTX nông sản an toàn ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ.

Chuyển mình thay đổi

Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ NN&PTNT xây dựng nhằm mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh” hoàn toàn phù hợp với các định hướng chiến lược của quốc gia trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn “Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp”, TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay nông nghiệp nước ta đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức mới đan xen. Nền nông nghiệp có nhiệm vụ mới, do vậy cũng cần phải có những chủ trương và chính sách mới.

Đại hội XII của Đảng đã đưa ra chủ trương: Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên Hiệp Quốc tháng 9-2021: Việt Nam sẽ là nhà cung cấp lương thực, thực phẩm Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP 26), tháng 11-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung hòa về carbon vào năm 2050. Tới năm 2030 và nhiều năm sau đó nền nông nghiệp của nước ta chủ yếu vẫn sẽ là nền nông nghiệp của các hộ nông dân nhỏ. Nhưng không phải các nông hộ tự cung tự cấp mà phải là các hộ sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn.

“Đa số các nông hộ vẫn quá nhỏ để tự tham gia thị trường cạnh tranh quốc tế. Họ cần liên kết lại, trực tiếp hay trực tuyến. Cần có nhiều hơn các doanh nghiệp để dẫn dắt họ tham gia các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Các hộ nông dân nhỏ cũng cần được hỗ trợ để làm điều đó trên các cánh đồng ở Việt Nam, nhưng vì lợi ích chung của toàn thế giới”, TS Cao Đức Phát đề xuất.

Ông Martien Van Nieuwkoop, Giám đốc Nông nghiệp và Lương thực toàn cầu (WB), cho rằng: Việt Nam cần thay đổi chi tiêu công trong nông nghiệp, có những cơ chế khuyến khích phù hợp, đánh giá lại về đầu tư công trong nông nghiệp. Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu sở hữu đất để giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Để giải quyết vấn đề này cần có quan hệ đối tác công tư, đưa ra quyết định đầu tư hợp lý cho nông nghiệp.

Để đi sâu và đẩy nhanh chương trình về môi trường nông nghiệp, ông Steven Jaffee, Cựu Trưởng Chuyên gia Kinh tế tại Khu vực EAP cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược và kế hoạch hành động chuyên sâu được xây dựng dựa trên bốn trụ cột bao gồm: chính sách khuyến nghị, đổi mới sáng tạo, thể chế và chính sách hỗ trợ. Điều quan trọng là cần xem xét các giải pháp ở nhiều cấp độ, từ cấp độ nông hộ cho đến cấp quốc gia.

Đồng quan điểm này, GS Jikun Huan, Giám đốc Trung tâm Chính sách Nông nghiệp Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh chia sẻ, để nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, Việt Nam rất cần những cam kết chính trị trong cải cách thể chế, hỗ trợ chính sách và đầu tư vào nông nghiệp.

Về phần mình, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp cần lưu ý cả về thích ứng và giảm thiểu. Bởi nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu, khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải khí nhà kính dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Ngân hàng thế giới sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng các hoạt động đầu tư trong nông nghiệp để xác định và hướng tới tương lai tươi sáng cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

“Việt Nam cần tìm ra động lực tăng trưởng mới và hiệu quả hơn trong nông nghiệp. Việc sản xuất sản phẩm, tương lai nông nghiệp Việt Nam sẽ dựa vào tri thức nhiều hơn để gia tăng giá trị tăng thêm, thay vì sản xuất theo tập quán “thâm dụng” tài nguyên và dấu chân carbon cần phải giảm thiểu. Việt Nam cũng cần nhạy bén hơn những nhu cầu trên toàn cầu để sản xuất sản phẩm an toàn hơn với môi trường”, bà Carolyn Turk chỉ rõ.

Đổi mới tư duy nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, tư duy phát triển nông nghiệp cần chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp. Theo đó, tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu trước đây cũng phải chuyển sang lấy giá trị làm trung tâm thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm. Cách làm tận dụng, khai thác cũng phải chuyển thành bồi dưỡng và làm giàu tài nguyên phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững. Cùng với đó, cũng xóa dần tư tưởng tự cung tự cấp để hướng tới tư tưởng hội nhập, hòa nhập với dòng chảy của chuỗi giá trị và các xu thế phát triển toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để làm được những điều này cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Bộ trưởng nêu rõ, với tư duy đổi mới và cùng hành động, khát vọng của ngành nông nghiệp sẽ trở thành hiện thực, để không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế khi đất nước ở vào thời điểm khó khăn mà ngành quyết tâm hướng đến khát vọng vươn tầm, đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.

“Để tạo nên sự chuyển đổi mới mẻ mang tính dài hạn và bền vững, chúng ta rất cần những tri thức mới, những quan điểm tiếp cận cấp tiến, những kinh nghiệm thực tiễn theo phương châm tư duy toàn cầu, hành động địa phương. Ý tưởng sáng kiến có thể xuất phát từ một người nhưng để triển khai vào thực tế cần sự chung sức, đồng lòng của rất nhiều người. Trong quá trình chuyển mình, ngành nông nghiệp không thể chỉ có một mình mà cần đến sự chia sẻ, hỗ trợ, ủng hộ của những người bạn đồng hành, của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, của các tổ chức, cá nhân các đối tác trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>