Xã Thuận Hưng về đích NTM nâng cao

28/04/2022 | 08:36 GMT+7

Sau khi được công nhận xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2015, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, đã tập trung toàn lực để xây dựng 16 tiêu chí của xã NTM nâng cao. Đến nay, xã đã về đích với nhiều kết quả ấn tượng và là địa phương đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Người dân xã Thuận Hưng trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh. Ảnh: MỘNG TOÀN

Nhiều mô hình mới

Thời gian qua, UBND xã Thuận Hưng đã tổ chức vận động Nhân dân, phối hợp các ngành chuyên môn huyện triển khai thực hiện nâng cấp, sửa chữa 9 tuyến đường, 7 cầu giao thông và lắp đặt 10,3km hệ thống đèn chiếu sáng dọc các tuyến đường trên địa bàn xã với kinh phí thực hiện hơn 14 tỉ đồng.

Trong đó, tuyến đường liên ấp 8 và 9 hiện đã thực hiện “mô hình tuyến đường ánh sáng NTM”. Riêng năm ngoái, địa phương đã chọn 2km ở ấp 9 để thực hiện gắn đèn đường, thắp sáng vùng quê với phương châm Nhà nước và Nhân nhân cùng làm. Ông Lê Thanh Bạc, ở xã Thuận Hưng, chia sẻ: “Hồi trước được công nhận NTM, giờ là NTM nâng cao, bà con rất vui mừng vì quê hương ngày càng giàu đẹp. Đường sá được bê tông hóa, gắn đèn điện năng lượng mặt trời, đi lại ban đêm cũng thuận tiện và đảm bảo an ninh trật tự”.

Đường sá ở xã Thuận Hưng được mở rộng, thông thoáng. Ảnh: NGỌC CHÂU

Cùng niềm vui khi xã chính thức được công nhận NTM nâng cao, ông Trần Thanh Bình, ở xã Thuận Hưng, bộc bạch: Cảnh quan, cuộc sống của bà con thay đổi rất nhiều, nhất là về đường sá, giao thông và làm ăn của bà con trong xã được nâng lên, nhất là việc xóa đói, giảm nghèo. Đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể cũng đi sâu, sát, quan tâm vào nâng chất các tiêu chí.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, địa phương còn thường xuyên vận động Nhân dân tăng gia sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng chất lượng, hiệu quả nhằm góp phần nâng cao đời sống; vận động cải tạo vườn tạp bằng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Bên cạnh đó, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất có thu nhập cao trên địa bàn, khuyến khích các lao động nhàn rỗi tìm việc làm. Liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay tạo tư liệu sản xuất cho các hộ gặp khó khăn, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Đến nay, toàn xã có 75 mô hình cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm, 120 mô hình sản xuất có hiệu quả cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm trở lên, 16 mô hình cho thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên.

Anh Trần Văn Niềm, ở ấp 8, xã Thuận Hưng, trước kia thuộc diện hộ nghèo, nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Hội Nông dân xã, huyện trong nguồn vốn vay, tập huấn kỹ thuật, gia đình đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình nuôi lươn cho sinh sản, cung cấp con giống và lươn thịt. Hiện, HTX Thịnh Phát do anh Niềm làm giám đốc có 24 thành viên, mỗi hộ nuôi từ 10.000-20.000 con lươn, đầu ra theo giá cả thị trường, giá hiện khoảng 110.000-115.000 đồng/kg.

Anh Trần Văn Niềm bày tỏ: “Từng trải qua khổ cực nên tôi hiểu và mong muốn san sẻ phần nào với bà con. Tôi hỗ trợ cho mọi người kỹ thuật nuôi và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Nhờ vậy, cuộc sống của mọi người bắt đầu ổn định, bước sang trang mới”.

Cũng đi lên từ chuyển đổi kinh tế, gia đình ông Phan Văn Tùng, ở xã Thuận Hưng, đang có nhà lưới rộng 350m2 chuyên trồng các giống rau Đà Lạt để cung cấp cho người tiêu dùng với giá trên 50.000 đồng/kg. Toàn bộ được tự động hóa, giúp rau phát triển tốt, ít sâu bệnh.

Ông Tùng chia sẻ: Xã Thuận Hưng được lên NTM nâng cao, bà con rất vui mừng, phấn khởi. Ứng dụng trồng rau thủy canh trong nhà lưới giúp rau giảm thiểu được sự tấn công của sâu hại. Hơn nữa, giảm bớt được công chăm sóc mà năng suất thu hoạch tăng cao, lợi nhuận mang về cao gấp nhiều lần so với trồng theo kiểu truyền thống”.

Nông thôn khởi sắc

Theo UBND xã Thuận Hưng, đến hết tháng 1 năm nay, trên địa bàn xã có 90 mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên. Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã, chú trọng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững, tiếp tục nâng cao hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp, các mô hình kinh tế có hiệu quả trên địa bàn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là 61,049 triệu đồng/người/năm, tăng 33 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 0,09% (chỉ còn 2 hộ), không có trường hợp tái nghèo, có 4/5 ấp không có hộ nghèo. Kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM nâng cao với tổng kinh phí thực hiện 225,998 tỉ đồng, trong đó vốn Nhân dân chiếm 22,64%.

Ông Phùng Văn Phường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hưng, cho biết: Hoàn thành 16/16 tiêu chí NTM nâng cao là niềm vinh dự, sự tự hào đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thuận Hưng. Để đạt được các tiêu chí, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, sự lãnh đạo của cấp ủy, Mặt trận, đoàn thể phải vào cuộc hết mới đạt các tiêu chí đó. Trong từng tiêu chí cụ thể cũng có kế hoạch để thực hiện. Về nâng cao đời sống người dân, cấp ủy rất quan tâm, tại vì mình làm lo cho dân. Về cảnh quan môi trường bà con rất ủng hộ và hăng hái trồng hoa kiểng, cắt tỉa làm hàng rào cây xanh, cảnh quan đẹp thì môi trường đẹp.

Ông Trịnh Quốc Quý, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hưng, cho biết: Toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thuận Hưng tiếp tục thực hiện đảm bảo làm sao duy trì, nâng chất và sử dụng có hiệu quả kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội, tiếp tục chỉ đạo Nhân dân xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, tập thể, chuỗi, theo nhu cầu thị trường và giữ vững, đảm bảo được tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã. Đạt được đã khó, giữ vững và phát huy càng khó hơn, vậy thì Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thuận Hưng càng có những quyết tâm giữ vững và nâng chất các tiêu chí NTM nâng cao đã đạt được.

Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ: “UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận xã Thuận Hưng đạt NTM nâng cao. Theo tôi, có một số điểm sáng ở xã Thuận Hưng. Thứ nhất là hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư hoàn thiện và mở rộng. Thứ hai là tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch. Thứ ba là các mô hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhiều mô hình hiệu quả và đang được nhân rộng. Thứ tư là chất lượng, vệ sinh môi trường và cảnh quan môi trường nông thôn được người dân ý thức rõ, trồng cây xanh làm hàng rào… Với kết quả trên, đã khẳng định ý nghĩa rất thiết thực cũng như vai trò rất quan trọng trong việc từng bước nâng cao chất lượng, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng tốt hơn.

 

Bài, ảnh: M.TOÀN - N.CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>