Tiết giảm chi phí đầu tư trong sản xuất

08/08/2022 | 10:46 GMT+7

Trước thực trạng giá phân bón tăng cao, người nông dân chủ động áp dụng nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả canh tác và tiết giảm tối đa chi phí đầu tư.

Ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đang chịu tác động rất lớn của biến động giá cả thị trường vật tư đầu vào, đặc biệt là giá phân bón. Theo đánh giá sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ lúa Hè thu 2022 trên địa bàn tỉnh, giá thành sản xuất lúa trong vụ có thể tăng từ 15-18% so với vụ Hè thu 2021. Nguyên nhân dẫn đến chi phí giá thành sản xuất tăng do chi phí vật chất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và chi phí lao động tăng (công bón phân, phun thuốc, gieo mạ…).     

Đứng trước thách thức này, nhiều nông dân buộc phải giảm lượng phân bón nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Với gần 4ha đất canh tác lúa, ông Ngô Văn Tân, ở ấp 10, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, cho biết chi phí đầu tư mỗi vụ lúa khá cao, nhất là trong thời buổi giá phân bón tăng cao như hiện nay. Vì vậy, ông phải cân nhắc kỹ rồi tự mày mò giải pháp để làm sao ruộng lúa vừa đạt năng suất lại giảm được chi phí đầu tư.

Ông Tân chia sẻ: Đây là “bài toán” không hề dễ dàng! Riêng tôi, từ hồi giá phân bón tăng, tôi áp dụng biện pháp tăng phân hữu cơ, giảm phân hóa học. Chưa dừng lại ở đó, tôi ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật học được từ các lớp tập huấn, sạ hàng, sạ thưa, bón phân cân đối, gieo sạ né rầy…, việc giảm được áp lực dịch hại thì chi phí đầu tư sẽ giảm đi nhiều.

Ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như “3 giảm 3 tăng”. Đây được xem là biện pháp kỹ thuật giúp tăng hiệu quả canh tác và mang lợi ích về nhiều mặt. Bên cạnh đó, việc giảm lượng giống gieo sạ sẽ giúp giảm chi phí tiền giống làm giảm áp lực sâu bệnh trên ruộng lúa sẽ dẫn đến giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng. Đồng thời giảm được lượng phân trên ruộng do mật độ cây trồng thấp.

Để có được năng suất cao trong mùa vụ, ông Phạm Văn Lợi, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, áp dụng quy trình canh tác hợp lý mà các nhà khoa học đã khuyến cáo như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống và lượng phân hóa học, đặc biệt là phân đạm. Ngoài ra, tôi kết hợp trồng hoa quanh bờ ruộng lúa để thu hút thiên địch. Với những cách làm này, tôi tiết giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa Hè thu khoảng 15%.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, trước tình hình giá phân bón tăng cao như hiện nay, giải pháp sử dụng phân bón cân đối giúp cây lúa phát triển cân đối về dinh dưỡng sẽ hạn chế bị sâu, bệnh tấn công, tránh lãng phí tiền mua phân, lượng đạm dư thừa làm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cũng giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm các độc chất có hại cho con người, cho động vật và cho môi trường nước và đất. Nếu bà con áp dụng tốt kiến thức về phòng trừ dịch hại tổng hợp, gieo sạ đúng liều lượng hạt giống chất lượng tốt, bón phân cân đối - hợp lý, sử dụng những loại phân bón chuyên dùng cho lúa có bổ sung các nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng thì việc hạn chế sâu bệnh sẽ tốt hơn.

Bà Nguyễn Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cho biết: Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật nhận định là thách thức đồng thời là cơ hội để tăng cường giới thiệu, triển khai đến nông dân về các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ, phù hợp định hướng phát triển bền vững của tỉnh cũng như khu vực.

Ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật đã tổ chức các cuộc tập huấn cho nông dân về chuyển đổi dần từ phân bón vô cơ sang sử dụng phân bón hữu cơ. Phối hợp các địa phương xây dựng mô hình thí điểm sử dụng phân bón hữu cơ trên cây trồng, lồng ghép sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ vật tư đầu vào từ nguồn kinh phí bảo vệ đất trồng lúa. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất phân bón hữu cơ từ các nguồn phụ phẩm sẵn có; ứng dụng công nghệ để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ. Điều này giúp giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiến tới sản xuất xanh và sạch.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>