Tiền đề phát triển nông nghiệp bền vững

11/10/2021 | 08:14 GMT+7

Để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích vườn kém hiệu quả để xây dựng và phát triển những mô hình sản xuất theo hướng kết hợp chuỗi liên kết tuần hoàn để lấy ngắn nuôi dài, giảm chi phí đầu tư trong quá trình canh tác.

Anh Thì nuôi ếch trong mương vườn, vừa tận dụng chất nhờn và thức ăn dư từ ếch để nuôi cá. Ảnh: D.KHÁNH

Chuyển đổi sản xuất hiệu quả

Canh tác 8 công mía không mang lại hiệu quả, cách đây 3 năm được chính quyền địa phương vận động, anh Trần Thanh Thì, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã quyết định bỏ mía chuyển sang trồng xoài Đài Loan và mít Thái. Dưới mương anh Thì nuôi ếch kết hợp với cá đồng. 

Ếch được anh Thì nuôi trong mùng lưới phía dưới lót sàn để tận dụng chất thải từ ếch để nuôi cá. Mỗi vụ ếch anh thả nuôi 10.000 con, sau hơn 2 tháng cho thu hoạch lợi nhuận 15 triệu đồng, vừa trang trải cho kinh tế gia đình, vừa có kinh phí đầu tư cho vườn cây ăn trái.

Phân thuốc cho vườn cây ăn trái anh Thì chuộng xài phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học để vừa tạo môi trường sinh thái ổn định cho cá dưới ao phát triển vừa tạo ra trái cây sạch. Nhờ cách làm này, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng mô hình của anh Thì vẫn cho tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Anh Thì cho biết: “Mô hình này có yếu tố kết hợp là lấy ngắn nuôi dài, như ếch sau 2 tháng sẽ cho thu hoạch bán lấy phần lãi đầu tư phân thuốc cho vườn cây. Ngoài ra, quá trình nuôi ếch, chất nhờn và thức ăn dư từ ếch còn được tận dụng làm thức ăn để nuôi cá. Để cuối năm cá thu hoạch là có thêm một phần thu nhập nữa. Cứ xoay vòng như thế đến khi cây ăn trái cho thu hoạch là mình lãi ròng không cần phải trừ chi phí đầu tư”.

Điểm dễ nhận thấy ở những mô hình kết hợp của nông dân là chi phí đầu tư thấp, dễ làm, dễ thực hiện và quan trọng hơn là tạo sự cân bằng cho hệ sinh thái và cải thiện thu nhập. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tạo, ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, cách đây 4 năm, ông quyết định bỏ 10 công mía chuyển sang trồng xoài Đài Loan kết hợp với trồng bông súng dưới mương. Cây bông súng không cần đầu tư phân thuốc nên với diện tích mặt nước gần 5.000m2, cách 5 ngày thu hoạch một đợt từ 500-600kg, với giá bán ổn định ở mức 2.000-4.000 đồng/kg (tùy thời điểm), trừ hết các khoản chi phí, một vụ bông súng 6 tháng ông thu nhập hơn 40 triệu đồng. Ông Tạo cho biết: “Ngoài việc cho hiệu quả kinh tế thì khi trồng bông súng dưới ao cũng giúp cân bằng hệ sinh thái cho vườn. Mỗi buổi sáng ra vườn bông súng nở rộ, các loài ong, côn trùng bu vào chích hút nên hạn chế việc gây hại trên cây xoài, đặc biệt bệnh xì mũ trên trái cũng giảm hẵn”.

Như gia đình ông Ngô Văn Thành, ở ấp Long An, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, trước đây chủ yếu là trồng cam mật nhưng do thời gian dài không được chăm sóc kỹ nên năng suất đạt không cao, cộng với giá cả bấp bênh. Đến năm 2018, gia đình ông mạnh dạn cải tạo lại vườn và mua 850 cây mít Thái về trồng trên diện tích 1,7ha vườn. Cây mít Thái siêu sớm là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, giá bán ổn định, năng suất cao, cho trái quanh năm. Đối với cây mít, khi cây lớn bắt đầu cho trái thì tỉa cành, tỉa trái, tùy vào từng cây mà để số lượng trái ít hay nhiều, đồng thời phun xịt thuốc trừ sâu bệnh và bón phân cân đối để trái mau lớn. Thời gian qua thương lái đến tận nhà mua mít, mỗi lần cắt cũng vài trăm ký, giá bán tương đối ổn định. Thu nhập bình quân từ cây mít của gia đình mỗi năm cũng hơn 150 triệu đồng.

Đẩy mạnh mô hình liên kết

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, trong tổng số 971 mô hình sản xuất nông nghiệp của huyện, hiện có 200 mô hình sản xuất theo hướng kết hợp như: trồng cây ăn trái kết hợp trồng xen hoa màu, nuôi cá, trồng bông súng, trồng sen… Mô hình góp phần bổ trợ cho nhau, lấy ngắn nuôi dài nâng cao hiệu quả kinh tế từ 50-100 triệu đồng/mô hình. Mục tiêu của ngành nông nghiệp huyện trong thời gian tới sẽ nhân rộng thêm 300 mô hình kết hợp. Để từ đây làm cơ sở cho huyện phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và nông nghiệp tuần hoàn khép kín.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Đối với nông nghiệp khép kín tuần hoàn này phải có thời gian xây dựng tương đối lâu dài và trải qua nhiều bước, nhiều giai đoạn. Hiện nay, huyện đang xây dựng bước đầu tức là nông nghiệp an toàn, rồi sẽ nâng từ an toàn lên hữu cơ và khép kín tuần hoàn. Chính vì thế, để mô hình phát triển bền vững, song song với việc chọn mô hình xây dựng thí điểm để trình diễn, huyện cũng tiếp tục cho nhân rộng những mô hình sản xuất theo hướng kết hợp, để những mô hình này phát triển đủ lớn sẽ từng bước nâng lên khép kín tuần hoàn.

Theo nhận định của các địa phương, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, theo chuỗi liên kết tuần hoàn đang là xu hướng phát triển mới của nông nghiệp hiện đại. Vì khai thác tối đa diện tích và không gian, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu và phế phẩm để sản xuất và chăn nuôi theo chuỗi khép kín. Vừa giảm được giá thành sản xuất nhưng quan trọng hơn là tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tới đây sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường, nhất là tập trung cho các nông sản chủ lực gồm lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát và cá tra. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tăng dần diện tích sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường.

Phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết tới đây ngành sẽ phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới giống cây trồng, tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Xây dựng các vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương gắn với liên kết chuỗi giá trị. Đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn kết với thị trường, nhất là đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>