Thu hẹp diện tích để cây mía phát triển ổn định

02/02/2023 | 12:42 GMT+7

Với giải pháp thu hẹp diện tích để áp dụng chính sách đầu tư và bao tiêu sẽ phần nào giảm thiểu được tình trạng cung vượt cầu, góp phần cải thiện đời sống của người dân trồng mía.

Diện tích mía ở huyện Phụng Hiệp đang giảm theo từng năm. Ảnh: D.KHÁNH

Cây mía từng được xem là loại cây trồng xóa đói giảm nghèo ở huyện Phụng Hiệp. Cách đây gần 10 năm, toàn huyện có gần 9.000ha mía, mỗi năm cung ứng cho các nhà máy đường trong tỉnh hơn 1 triệu tấn mía. Tuy nhiên, do tác động của giá cả thị trường, giá bán luôn tỷ lệ nghịch với chi phí đầu tư khiến cây mía nơi đây dần bị thu hẹp. Đặc biệt, hiện nay 2 trong tổng số 3 nhà máy đường trong tỉnh đã ngừng hoạt động, cây mía cũng buộc phải giảm diện tích để phát triển ổn định.

Gần 20 năm gắn bó với cây mía, với diện tích 1ha, mỗi năm ông Nguyễn Văn Phúc, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cung ứng cho Nhà máy đường Phụng Hiệp hơn 100 tấn mía. Nhưng sau vụ vừa rồi, ông Phúc đã quyết định bỏ mía để chuyển sang trồng tràm. Theo ông Phúc, lẽ ra gia đình đã chuyển đổi từ 2 năm trước, nhưng vì luyến tiếc với cây trồng từng gắn bó với gia đình bao đời nay nên đã duy trì. Nhưng hai vụ trước nếu mía trúng thì giá thấp, còn vụ rồi giá bán tương đối khá thì mía lại giảm chữ đường.

Ông Phúc cho biết: “Nói chung, mía năm nay thì cũng có năng suất cao, giá bán cũng tương đối khá nhưng chữ đường thì không đạt như mọi năm. Mình trồng mía mà chữ đường không được 10 CCS thì ra nhà máy đâu có giá nên tính ra không có lời. Dự định của gia đình là năm nay một phần sẽ chuyển sang trồng chuối, phần đất thấp thì chuyển sang trồng tràm để nhẹ công chăm sóc. Còn nếu trồng mía thì ngoài yếu tố giá cả, năng suất thì hiện nay còn phải đối mặt với nhân công lao động khan hiếm”.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Cây mía không mang lại hiệu quả kinh tế đối với người dân, do đó chúng tôi cũng đã vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn để bà con có điều kiện cải thiện đời sống”.

Với quá nhiều rủi ro tác động đó là nguyên nhân cứ mỗi năm vùng mía huyện Phụng Hiệp lại thu hẹp từ 800-1.000ha để chuyển sang các loại cây trồng khác. Từ 9.000ha vào năm 2010 đến niên vụ 2021-2022 chỉ còn 3.700ha. Hơn 6.000ha mía được nông dân ở huyện Phụng Hiệp chuyển đổi sang các loại cây trồng như: cây ăn trái, khóm MD2, lúa, chuối, tràm… hiện nay đã cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với canh tác mía.

Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Cách đây 3 năm, gia đình đã quyết định bỏ 5 công mía chuyển sang trồng ổi. Dù giá trị cây ổi không cao nhưng bình quân mỗi tháng cũng cho thu nhập hơn 5 triệu đồng, tương đương gần 60 triệu đồng mỗi năm. Nhưng cũng diện tích này trước đây trồng mía, có năm lãi 20 triệu đồng nhưng cũng có năm thì huề vốn hoặc thua lỗ”.

Ngoài giá cả thì yếu tố khác buộc cây mía phải giảm diện tích là các nhà máy đường trong tỉnh đã giảm công suất hoạt động. Từ 3 nhà máy hiện nay chỉ còn Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động với công suất khoảng 3.000 tấn/ngày. Do đó, theo quy hoạch từ nay đến năm 2025, huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục giảm thêm 1.000ha, chỉ ổn định diện tích từ 2.500-3.000ha. Trong đó, 2.500ha với sản lượng gần 300.000 tấn để phục vụ cho Nhà máy đường Phụng Hiệp, còn 500ha sẽ phục vụ cho thị trường mía chục làm nước ép giải khát.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Vùng nguyên liệu hiện nay chúng tôi quy hoạch để cung ứng cho nhà máy đường khoảng 3.000ha, nằm ở các khu vực như: xã Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng, thị trấn Búng Tàu. Và theo cam kết của nhà máy đường thì thời gian tới cũng sẽ có chính sách hỗ trợ lại cho người dân về giống, vốn, phân bón và kỹ thuật để canh tác ổn định cây mía”.

Ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, cho biết thêm: “Phía công ty đã ban hành kế hoạch đầu tư và bao tiêu mía 3 năm tiếp theo. Theo đó, đối với mía lưu gốc chúng tôi đầu tư 30 triệu đồng/ha, mía trồng mới là 37 triệu đồng/ha để nông dân có điều kiện mua phân bón, mía giống hay công chăm sóc. Toàn bộ cho phí này chúng tôi không tính lãi nhưng mong muốn đến vụ người dân giao mía đúng với sản lượng đã ký kết với nhà máy. Mục tiêu công ty hướng đến là cùng người dân phát triển ổn định vùng mía”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, ngành đã quy hoạch và tổ chức lại sản xuất mía gắn kết chặt chẽ với nhà máy đường; đồng thời tiếp tục chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác kết hợp chuyển đổi giống có năng suất, chất lượng, chữ đường cao... Theo đó, diện tích niên vụ 2022-2023 khoảng 3.200ha, năng suất đạt 100 tấn/ha, sản lượng đạt 320.000 tấn. Riêng niên vụ mía 2021-2022 nông dân trong tỉnh xuống giống được 3.842ha, đạt 96,06% kế hoạch, giảm 23,3% (bằng 1.167,5ha) so với cùng kỳ, diện tích mía của tỉnh tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy.

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>