Thông tin nhà máy đường đóng cửa: Người trồng mía đứng ngồi không yên

25/08/2021 | 09:37 GMT+7

Thông tin nhà máy đường duy nhất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có kế hoạch tạm ngưng hoạt động trong vụ ép mía tới đây đã tạo ra sự lo lắng cho hàng ngàn hộ dân trồng mía của tỉnh.

Thông tin nhà máy đường tạm ngưng hoạt động trong vụ ép mía sắp tới đã tạo nhiều lo lắng cho người trồng mía của tỉnh (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). 

Áp lực của người trồng mía

Ông Phạm Quang Vinh, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) và cũng là đại diện nhóm cổ đông ADC sở hữu trên 40% vốn điều lệ của công ty cho biết, trong những năm gần đây do nhiều yếu tố đã dẫn tới diện tích trồng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giảm dần qua các năm. Cụ thể, đến niên vụ sản xuất năm nay, diện tích mía của tỉnh Hậu Giang chỉ còn 1.163ha, tương đương khoảng 138.390 tấn mía cây (theo số liệu điều tra của Casuco); trong đó Casuco đã ký hợp đồng đầu tư trực tiếp là 309ha. Tuy nhiên, cách nay khoảng 3 tháng (ngày 25-5), HĐQT của Casuco đã họp và đánh giá lượng mía còn ít nên không đủ sản xuất. Do đó, HĐQT Casuco có tính đến phương án cho Nhà máy đường Phụng Hiệp - thuộc Casuco (đây là nhà máy đường duy nhất còn hoạt động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang) tạm dừng sản xuất ở vụ mía 2021-2022. Dù kế hoạch tạm dừng hoạt động Nhà máy đường Phụng Hiệp chưa được các thành viên cổ đông của Casuco thông qua (dự kiến trong tháng 6 vừa qua) nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nội dung trên sẽ được xem xét vào lần họp cổ đông gần nhất của Casuco trong thời gian tới.

Trước thông tin trên đã tạo sự lo lắng và áp lực không nhỏ cho người dân tại các vùng mía trên địa bàn tỉnh, nhất là ở huyện Phụng Hiệp, nơi còn khoảng 4.000ha (số liệu thống kê từ ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp) mía nguyên liệu của bà con dự kiến thu hoạch vào đầu tháng 10 tới. Chia sẻ nỗi lo lắng của mình, ông Tạ Ngọc Nguyên, hộ có 2,5ha mía ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Những ngày qua, khi nghe thông tin Nhà máy đường Phụng Hiệp có kế hoạch tạm ngưng hoạt động trong vụ ép sắp tới làm tôi và nhiều bà con ở đây vô cùng trăn trở. Bởi có khoảng 900ha mía của bà con ở ấp này đã trồng được từ 6-8 tháng tuổi (chủ yếu là giống mía ROC 16, KK3) và đa phần là nguồn mía nguyên liệu phục vụ cho nhà máy đường hoạt động. Nếu nhà máy không mua thì số lượng lớn mía trên bà con không biết bán cho ai”.

Cùng tâm trạng khi có 1,5ha mía của gia đình trồng được gần 8 tháng tuổi, ông Đào Duy Thông, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, thông tin: “Năm nay, tiền mướn nhân công ở các khâu trong canh tác mía và tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng so với cùng kỳ, nhất là giá phân bón tăng gần 50%. Do đó, mỗi công mía, bà con bỏ ra chi phí hơn 1 triệu đồng. Vì vậy, nếu nhà máy đường không thu mua mía thì nông dân sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất”.  

 Mong nhà máy đường tiếp tục hoạt động

Theo nhiều người dân trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, những năm gần đây, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ của ngành mía đường, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến bà con khi phải bán mía với giá thấp nên không có nguồn lợi nhuận cao, thậm chí chỉ huề vốn và có hộ còn thua lỗ. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với cây mía nên nông dân cảm thấy mến tay, mến chân; từ đó không chuyển đổi sang cây trồng khác mà tiếp tục trồng mía để giữ vùng mía nguyên liệu phục vụ cho nhà máy đường hoạt động. Mặt khác, từ đầu vụ trồng đến nay, người dân luôn ra sức chăm sóc để cây mía được phát triển tốt nhằm cung cấp nguồn mía nguyên liệu chất lượng cho nhà máy đường sản xuất hiệu quả. Bởi nông dân hiểu rằng, khi nhà máy đường sản xuất hiệu quả thì giá thu mua cho cây mía được cải thiện, từ đó bà con có nguồn thu nhập tốt hơn để tái đầu tư sản xuất cho vụ sau.

“Hiện nay, cây mía đã gần đến ngày thu hoạch, nông dân cũng bỏ ra nhiều công sức đầu tư và tâm huyết của mình để giữ vùng nguyên liệu cho nhà máy đường. Do đó, bà con tha thiết mong Casuco xem xét tiếp tục cho Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động để thu mua mía cho nông dân, giúp nông dân vượt qua khó khăn trong khâu tiêu thụ trước ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Tạ Ngọc Nguyên, ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, chia sẻ thêm. 

Ông Phạm Quang Vinh, thành viên HĐQT Casuco, cho biết thêm: “Trước dự báo về những khó khăn mà người trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ gặp phải nếu Nhà máy đường Phụng Hiệp tạm ngưng hoạt động; đồng thời nhằm tạo công ăn việc làm cho công nhân lao động, đảm bảo lợi ích cho cổ đông Casuco và đặc biệt là duy trì được vùng mía nguyên liệu cho những năm tiếp theo, tôi đã có văn bản kiến nghị Chủ tịch HĐQT Casuco chỉ đạo cho Tổng giám đốc thực hiện gấp việc bảo trì máy móc thiết bị và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể sẵn sàng vào vụ sản xuất đường từ tháng 10 tới nhằm tiêu thụ kịp thời mía cho người dân. Hy vọng rằng, văn bản kiến nghị của tôi sẽ được chấp thuận để tạo niềm vui cho người trồng mía của tỉnh Hậu Giang”. 

Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Hiện đơn vị đã nắm được thông tin về việc nhà máy đường có kế hoạch tạm ngưng hoạt động trong vụ ép tới đây. Trước sự việc trên, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ báo cáo với UBND tỉnh để có hướng xử lý trong thời gian tới.

Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, niên vụ mía 2020-2021, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 5.039ha; trong đó, địa phương có diện tích mía nhiều nhất là huyện Phụng Hiệp với 4.725ha và có khoảng 5.000 hộ dân trồng. Hiện tại, nông dân đã bán mía chục (mía dùng làm nước giải khát) được 590ha; diện tích mía còn lại đang trong giai đoạn từ 6-8 tháng tuổi.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>