Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, tiêu thụ nông, thủy sản

01/10/2021 | 08:20 GMT+7

Để thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, tạo nguồn cung nông sản phục vụ tiêu dùng, đảm bảo đời sống của nông dân, thời gian qua Sở NN&PTNT đã có nhiều hướng dẫn liên quan. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Trần Chí Hùng (ảnh), Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết:

- Theo hướng dẫn mới đây của Sở NN&PTNT, trong tổ chức sản xuất, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên rà soát số lượng, chủng loại thiết bị, máy móc nông nghiệp trên địa bàn đối chiếu với tình hình, kế hoạch sản xuất để chủ động điều tiết sử dụng phục vụ sản xuất trên địa bàn phụ trách. Trường hợp trên địa bàn không đủ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện để điều động máy móc, thiết bị từ các đơn vị cấp xã khác sang hỗ trợ.

Nếu địa phương cấp huyện không đủ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND cấp huyện báo cáo về Sở NN&PTNT (thông qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để xem xét, đề nghị điều động máy móc, thiết bị từ địa phương khác trong tỉnh. Trong trường hợp cần sự hỗ trợ thiết bị, máy móc ngoài tỉnh, UBND cấp huyện đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị các tỉnh lân cận hỗ trợ. Ngoài ra, chủ động lập kế hoạch sản xuất nông nghiệp từng tháng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo nguồn cung nông sản cho tiêu dùng trên địa bàn huyện, tỉnh.

Thời gian qua, việc người dân ở địa bàn này đi chăm sóc ruộng, vườn cây ăn trái, khu vực nuôi thủy sản ở địa bàn khác cũng gặp không ít khó khăn. Việc giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông ?

- Đối với “vùng xanh”, các hộ gia đình, người dân trong “vùng xanh” có thể đi thăm đồng tại khu vực mình sinh sống.

Đối với liên “vùng xanh”, các hộ gia đình, người dân trong “vùng xanh” có thể đi thăm đồng liên “vùng xanh”. Tuy nhiên, phải có bản cam kết được xác nhận của chính quyền địa phương nơi đi và nơi đến, phải thực hiện đúng cung đường từ nhà đến khu vực sản xuất nông nghiệp của mình, không được ghé, đến nơi khác hoặc đi vào địa điểm khác. Trong quá trình đi thăm đồng, chăm sóc vườn cây ăn trái, khu vực chăn nuôi, thủy sản đảm bảo tuân thủ quy tắc 5K.

Đối với người dân “vùng xanh” đi thăm đồng tại các vùng khác thì người dân trong “vùng xanh” hạn chế tối đa đi thăm đồng, chăm sóc vườn cây ăn trái, khu vực chăn nuôi, thủy sản khi đi sang chốt kiểm soát các đơn vị chưa được công nhận “vùng xanh”. Khuyến khích người dân nhờ người thân, người quen... thăm đồng, thuê lao động bón phân, phun thuốc, chăm sóc hộ. Nếu cấp thiết phải đi thì phải được UBND cấp xã cấp giấy đi đường, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 không quá 72 giờ và thực hiện đúng cung đường từ nhà đến khu vực sản xuất nông nghiệp của mình, không được ghé, đến nơi khác hoặc đi vào địa điểm khác và phải đảm bảo tuân thủ quy tắc 5K.

Đối với người dân ở khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa thì khuyến khích thành lập mới hoặc duy trì các tổ nông vụ, đội dịch vụ bón phân, phun thuốc, thu hoạch hộ để hỗ trợ chăm sóc, thu hoạch thay cho các hộ nông dân xa nhà và hộ nông dân xâm canh nhưng không có người trực tiếp làm thay, nhằm hạn chế đi lại để kiểm soát dịch Covid-19; công khai số điện thoại của Tổ dịch vụ để người dân trực tiếp liên hệ, thống nhất phương án hỗ trợ chăm sóc tại nơi có đất canh tác thì liên hệ UBND cấp xã để được hỗ trợ thực hiện. Trong quá trình thực hiện phải tuân thủ quy tắc 5K.

Còn về khâu tổ chức thu hoạch được thực hiện ra sao, thưa ông ?

- Căn cứ kế hoạch sản xuất từng vụ/năm và tình hình sản xuất thực tế của địa phương, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng kế hoạch thu hoạch nông sản, trong đó cần cụ thể từng loại nông sản, vùng nguyên liệu, phương án thật cụ thể đối với việc lưu thông của máy móc, phương tiện phục vụ thu hoạch; thiết bị vận chuyển; cách thức quản lý tổ chức công đoàn hoặc tổ, nhóm phục vụ thu hoạch, các chủ phương tiện vận chuyển; đặc biệt quản lý chặt sự đăng ký hoạt động và di chuyển của thương lái, môi giới (cò).

UBND cấp xã chủ động rà soát nhu cầu sử dụng thiết bị, máy móc trên địa bàn để phân phối sử dụng hợp lý cho từng vùng nguyên liệu cần thu hoạch. Nếu tại địa bàn không đủ máy móc, thiết bị phục vụ thu hoạch nông sản, báo cáo UBND cấp huyện để điều động máy móc thiết bị từ xã, phường, thị trấn khác hỗ trợ. Nếu cấp huyện không đủ máy móc, thiết bị phục vụ thu hoạch nông sản, UBND cấp huyện báo cáo về Sở  NN&PTNT (thông qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để xem xét, đề nghị điều động máy móc, thiết bị từ địa phương khác trong tỉnh.

Hiện nay, ngành có quy định về công tác thu hoạch nông, thủy sản tại các vùng, thưa ông ?

- Theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh, người lao động từ trong các “vùng xanh” trong tỉnh Hậu Giang đến tham gia thu hoạch, thu mua nông, thủy sản tại các “vùng xanh” khác trong tỉnh chỉ thực hiện xét nghiệm kết quả âm tính với SARS-CoV-2 khi đi và về để giám sát khi đi qua các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.

Khuyến khích sử dụng lực lượng lao động từ trong “vùng xanh”, ưu tiên sử dụng lao động đã đáp ứng thêm điều kiện tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 để phục vụ công tác thu hoạch.

UBND cấp huyện, cấp xã thành lập các tổ, đội thu hoạch, vận chuyển nông, thủy sản giúp người dân thu hoạch, vận chuyển hàng hóa nông, thủy sản đến điểm tập kết hoặc các chốt kiểm soát “vùng xanh”. Trong quá trình thu hoạch nông, thủy sản, tất cả người tham gia thu hoạch phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và quy tắc 5K.

Đối với nông, thủy sản đặc thù, có trọng lượng và khối lượng lớn cần lực lượng chuyên nghiệp để thu hoạch (cá, tôm...), các địa phương có thể xem xét, cho phép các phương tiện, tài xế, tài công và người lao động vào trong “vùng xanh” để thu hoạch nông, thủy sản nhưng phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Ngành nông nghiệp, các địa phương luôn tạo điều kiện để nông sản tiêu thụ thuận lợi, người dân tiếp tục tái sản xuất.

Đối với công tác kết nối, thu mua nông sản được ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương thực hiện ra sao, thưa ông ?

- UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản; tổng hợp danh sách các loại nông sản đang trong kỳ thu hoạch, dự kiến thu hoạch cần hỗ trợ kết nối, tiêu thụ như chủng loại, thời điểm thu hoạch, sản lượng, địa điểm, thông tin liên hệ... hàng ngày, hàng tuần gửi về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để báo cáo Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT giúp kết nối với đầu mối phân phối ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Sở Công thương kết nối doanh nghiệp và đưa vào hệ thống sàn giao dịch điện tử.

Tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã làm đầu mối tiêu thụ các loại nông sản trên địa bàn; ký hợp đồng tiêu thụ nông sản theo hình thức “Combo nông sản” cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh. Kết nối với các siêu thị trên địa bàn để tiêu thụ nông sản; thực hiện tốt diện tích doanh nghiệp đã ký hợp đồng và triển khai liên kết với diện tích chưa ký hợp đồng.

Thưa ông, để tạo thuận lợi trong công tác thu mua nông sản thì ngành có biện pháp nào ?

- Tất cả người tham gia hoạt động thu mua nông sản phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và quy định 5K. Việc thu mua nông sản trong “vùng xanh” thì việc giao nhận hàng hóa nông sản giữa nông dân và thương lái thu mua nông sản được thực hiện tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa nông, thủy sản thực hiện theo Công văn số 1585/UBND-NCTH ngày 24/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa thiết yếu, nông sản phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh. Việc vận chuyển nông sản ra chốt do các Tổ thu gom nông sản và người dân trong “vùng xanh” vận chuyển ra điểm tập kết...

Các trường hợp đặc biệt nào được vào “vùng xanh” để thu mua nông sản, thưa ông ?

- Đối với hàng hóa nông, thủy sản có trọng lượng và khối lượng lớn không thể áp dụng giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển, các địa phương xem xét, cho phép các phương tiện và tài xế, tài công vào trong “vùng xanh” để thu mua, vận chuyển nông, thủy sản, đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện các yêu cầu. Phải thông báo đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp xã tại nơi thu mua nông, thủy sản trước 60 phút khi đến chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp xã phải cử người đến chốt kiểm soát hướng dẫn, giám sát việc di chuyển, đậu, đỗ, thu mua, bốc xếp hàng hóa nông, thủy sản; các phương tiện vận chuyển phải được khử khuẩn tại chốt kiểm soát bảo vệ “vùng xanh”. Phải có địa chỉ cụ thể, có xác nhận hành trình điểm đi và điểm đến được cấp thẩm quyền cho lưu thông; có người giám sát dẫn đường, sau khi giao hàng xong phải quay về bãi tập kết hoặc nơi xuất phát.

Tất cả tài xế, tài công, người đi cùng phương tiện vận tải phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 không quá 72 giờ. Phải có giấy cam kết lộ trình đi đến, thời gian lưu trú cụ thể được chủ doanh nghiệp và xã, phường, thị trấn nơi đơn vị thu mua đăng ký hoạt động kinh doanh xác nhận. Phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Phương tiện, tài xế, tài công và người đi cùng trên phương tiện chỉ được phép vào “vùng xanh” bốc xếp hàng hóa tại điểm tập kết khi đã sẵn sàng.

Trong khi thu mua, bốc xếp nông, thủy sản lên phương tiện, tài xế, tài công và người đi cùng trên phương tiện phải ở trong cabin. Cabin phải được niêm phong tại chốt kiểm soát khi đi vào “vùng xanh”, lực lượng bốc xếp địa phương sẽ hỗ trợ bốc xếp nông sản lên phương tiện vận chuyển. Khi nhận hàng hóa nông sản xong, người và phương tiện phải di chuyển ngay ra khỏi khu vực thu mua về nơi xuất phát. Việc thanh toán phải giữ khoảng cách an toàn và được phun, xịt khử khuẩn tiền, giấy tờ, tài liệu trước khi giao nhận...

Xin cảm ơn ông !

HOÀI THANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>