Phát triển nông nghiệp tuần hoàn

30/08/2021 | 08:23 GMT+7

Gần đây, các địa phương trong tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, nhằm tạo ra nông sản sạch cung ứng cho thị trường. Hiện tại nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả.

Chanh không hạt ở HTX Nông nghiệp Thạnh Phước được sản xuất theo chuỗi tuần hoàn, khép kín. Ảnh: T.TRÚC

Mô hình triển vọng

Tháng 12-2020, được sự hỗ trợ của huyện Phụng Hiệp, nông trại NT Phụng Hiệp thuộc Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong có trụ sở chính ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào vận hành hệ thống điện áp mái công suất 990kWp trong chuỗi sản xuất nông nghiệp theo dây chuyền khép kín. Hiện nay, hệ thống điện áp mái của nông trại cho hiệu suất 4.000 kWh/ngày đạt doanh thu hơn 200 triệu đồng mỗi tháng. Theo bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, theo công suất khai thác như hiện nay thì sau 7 năm công ty sẽ thu hồi lại nguồn vốn đầu tư điện áp mái gần 15 tỉ đồng.

Bà Hằng cho biết: “Danh mục sản xuất của nông trại đăng ký là phát triển điện áp mái phía trên và sản xuất nông nghiệp phía dưới. Điện áp mái tuy có chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng chỉ đầu tư một lần sẽ khai thác được lâu dài. Quá trình khai thác định kỳ chỉ cần vệ sinh không cần đầu tư nữa”.

Phía trên phát triển điện áp mái, tận dụng khoảng trống phía dưới nông trại NT Phụng Hiệp phát triển mô hình trồng nấm, nuôi trùn quế, trồng rau sạch và nuôi thủy sản. Theo quy trình khép kín, nghĩa là giá thể trồng nấm sau khi thu hoạch sẽ được xử lý với các men vi sinh để làm sinh khối nuôi trùn quế và trồng rau sạch. Trùn quế sau khi thu hoạch sẽ làm nguồn thức ăn để nuôi thủy sản. Với quy trình khép kín này, nông trại đã khai thác triệt để diện tích và không gian 7.000m2 đất sản xuất và đặc biệt là hạn chế tối đa chi phí đầu vào.

Vừa thu hoạch xong vụ nấm rơm trong nhà kính, 160 cuộn rơm cho năng suất gần 400kg nấm. Do trồng trong môi trường nhà kính đã hạn chế việc sử dụng các loại thuốc kích thích, nấm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn sạch, được thương lái đặt hàng thu mua ổn định với giá 50.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, trang trại lợi nhuận gần 12 triệu đồng. Chưa kể nguồn rơm phế phẩm sẽ được nông trại tiếp tục xử lý cho dây chuyền sản xuất tiếp theo.

Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, cho biết: Gia đình đã đi tham quan nhiều mô hình sản xuất của bà con ở đồng bằng sông Cửu Long. Người dân sản xuất hiệu quả nhưng chi phí đầu tư vẫn còn khá cao. Vì vậy, khi phát triển mô hình, nông trại chủ yếu thực hiện các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi bổ trợ cho nhau. Hiện nay ở nông trại, các phế phẩm của lĩnh vực sản xuất này sẽ là nguồn nguyên liệu để sản xuất lĩnh vực khác. Như bả rơm chất nấm sau khi thu hoạch sẽ được xử lý men vi sinh để làm giá thể nuôi trùn quế và trồng rau sạch. Trùn quế khi thu hoạch, phân trùn sẽ bán cho người làm vườn trồng cây, thịt trùn sẽ được làm thức ăn để nông trại nuôi thủy sản nước ngọt”.

Ngoài nông trại NT Phụng Hiệp, thời gian qua huyện Phụng Hiệp còn xây dựng và nhân rộng được 200 mô hình kết hợp để làm nền tảng phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín trên quy mô vừa và nhỏ như: Trồng cây ăn trái kết hợp trồng xen hoa màu, nuôi cá, trồng bông súng, trồng sen… Mô hình góp phần bổ trợ cho nhau, lấy ngắn nuôi dài nâng cao hiệu quả kinh tế từ 50-100 triệu đồng/mô hình. Điểm đặc trưng của nhiều nông dân là xây dựng mô hình kinh tế với chi phí đầu tư thấp. Tận dụng đất vườn, mương liếp sẵn có để chọn vật nuôi phù hợp nhằm tạo cân bằng cho hệ sinh thái và cải thiện thu nhập. Ông Phạm Văn Năm, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, là một điển hình. Cách đây 4 năm, khi chọn trồng cây nhãn Ido, ông Năm đã kết hợp trồng bông súng Đà Lạt và nuôi cá dưới mương. Bông súng không cần đầu tư phân thuốc nên với diện tích mặt nước gần 2.000m2, bình quân mỗi tháng tiền bán bông súng cũng được khoảng 2 triệu đồng.

Ông Năm cho hay: “Nguồn thu nhập phụ ổn định này giúp gia đình có điều kiện để đầu tư cho vườn nhãn. Một hiệu quả tự nhiên khác của mô hình này là khi bông súng trổ bông sẽ thu hút thiên địch, giúp hạn chế được nhiều loại côn trùng gây hại trên cây nhãn. Nhờ vậy giảm số lần phun xịt thuốc, không ảnh hưởng môi trường trong liếp vườn, sức khỏe người nông dân cũng tốt hơn”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Đối với mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín theo hướng tuần hoàn có chi phí đầu tư ban đầu khá cao phù hợp với những doanh nghiệp, công ty có quy mô. Còn đối với nông dân để xây dựng được nông nghiệp theo hướng này cần phải có thời gian và trải qua nhiều bước, nhiều giai đoạn. Hiện nay, huyện Phụng Hiệp đang xây dựng bước đầu nông nghiệp an toàn, sau đó sẽ nâng từ an toàn lên hữu cơ và khép kín tuần hoàn. Mục tiêu của ngành nông nghiệp huyện phấn đấu trong thời gian tới sẽ nhân rộng thêm 300 mô hình kết hợp, làm cơ sở để huyện phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Hướng đi này cũng phù hợp với chỉ đạo của tỉnh và Nghị quyết của huyện về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Nhiều người quan tâm

Mới hồi đầu năm nay, Công ty Kim Delta cũng đã đến khảo sát và làm việc với tỉnh để triển khai thực hiện mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn Hậu Giang. Mô hình được triển khai ở phía dưới những tấm pin năng lượng mặt trời của công ty đang đầu tư trên địa bàn tỉnh để vừa khai thác nguồn năng lượng điện mặt trời vừa kết hợp mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Theo đó, mô hình sẽ được thực hiện kết hợp với nhiều hoạt động mang tính tuần hoàn từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm theo hình thức liên kết chuỗi. Trong đó, mục đích chính của mô hình là sẽ thu mua nguồn nguyên liệu từ cây lục bình để ủ và tạo ra phân bón hữu cơ; qua đây sẽ tạo việc làm và nguồn thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn thông qua việc đi vớt lục bình, từ đó các kênh, rạch trên địa bàn tỉnh sẽ dần được giải phóng khỏi lục bình làm bế tắc bằng phương pháp thủ công, không dùng hóa chất gây ảnh hưởng môi trường.

Cũng trong mô hình, đơn vị thực hiện sẽ xây dựng khu vực chứa nguồn nguyên liệu thô, khu vực ủ phân lục bình bằng hình thức thổi khí và khu sản xuất cơ chất lục bình. Sau khi lục bình được ủ thành phân sẽ tiến hành nuôi trùn quế, trồng cây ăn trái, rau trong chậu và trồng theo hình thức thủy canh. Ngoài ra, mô hình còn xây dựng khu trữ meo và trồng nấm rơm; khu nuôi ấu trùng ruồi lính đen để làm thức ăn cho gà ngay trong mô hình; đồng thời xây dựng nhà kho, máy sấy lạnh để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, cũng như liên kết với các siêu thị lớn bao tiêu sản phẩm. Dự kiến, mô hình sẽ được thực hiện thí điểm ban đầu là 2,3ha, trong đó tổng mức đầu tư trong một năm là 14,7 tỉ đồng, tổng doanh thu 21,3 tỉ đồng, lợi nhuận 6,6 tỉ đồng. Theo đánh giá của Công ty Kim Delta, mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là một hướng đi mới để không phụ thuộc vào đất và nước mặt bị ô nhiễm hay ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn.

Ở HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, hàng chục thành viên HTX sản xuất chanh không hạt đều có sự liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để cung ứng sản phẩm đến các siêu thị, chợ đầu mối, thậm chí xuất khẩu sang một số nước. Sản xuất tại HTX này từ việc nhân cây giống cho tới trồng, thu hoạch, bán sản phẩm đều được thực hiện liên hoàn. Việc thực hiện chuỗi ở đây theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo chất lượng an toàn và được bao tiêu sản phẩm với giá cao, đảm bảo có lợi nhuận cho người trồng. Từ đó, nông dân hăng say sản xuất, cơ sở thu mua cũng đảm bảo đủ sản lượng cung ứng cho thị trường.

Còn gia đình ông Nguyễn Thanh Phong, ở phường V, thành phố Vị Thanh, để tăng giá trị sản phẩm, ông còn trực tiếp nuôi cá thát lát để chế biến các sản phẩm từ cá thát lát như chả cá, cá rút xương, cá tẩm gia vị. Đối với các chất thải từ ao nuôi cá thát lát, ông cho thải qua ao nuôi cá tra và cá sặc rằn, còn chất thải từ nuôi tra và sặc rằn được lấy lên bón cho cây trồng, nhờ vậy giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả hơn trong sản xuất. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho rằng tỉnh rất ủng hộ với mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Đồng thời cho biết sẽ có những chính sách hỗ trợ theo quy định hiện nay của tỉnh để tạo thuận lợi cho các mô hình thực hiện, cũng như sẽ có hướng hỗ trợ cho tổ chức nông dân trong mô hình tiếp cận với nguồn vốn vay để phục vụ sản xuất và nhân rộng mô hình khi đạt hiệu quả…

Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn là xu hướng phát triển mới của nông nghiệp hiện đại. Mô hình sẽ khai thác tối đa diện tích và không gian, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu và phế phẩm để sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi khép kín, vừa giảm được giá thành sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và bảo vệ tốt hơn môi trường sống.

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>