Phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp

22/06/2022 | 08:48 GMT+7

Đầu năm 2022, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, vinh dự đạt danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao. Đó là công sức của toàn thể người dân cùng đồng lòng với chính quyền địa phương xây dựng nên thành quả. Trong đó, công lao không nhỏ của nông dân sản xuất giỏi, mô hình kinh tế tập thể tại địa phương.

Nông dân sản xuất giỏi, HTX làm việc đoàn kết, năng động đã giúp kinh tế nông nghiệp xã Trường Long Tây vươn lên tầm cao mới.

Dựa trên thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân đã không ngừng phát huy sức mạnh, kiến thức nông nghiệp 4.0, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Những mô hình sản xuất lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP lần lượt được nông dân, thành viên HTX thực hành và được các tổ chức công nhận.

Hai HTX gồm: HTX Nông nghiệp Phước Trung và HTX Nông nghiệp Trường Long Tây với 327 thành viên hoạt động theo mô hình liên kết sản xuất gắn với cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật và tiêu thụ nông sản... Sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng, đồng thuận này đã đảm bảo tính bền vững, mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân và thành viên. Ngoài ra, toàn xã còn có thêm 13 tổ hợp tác sản xuất với 337 thành viên, các tổ hợp tác để tổ chức phương án sản xuất, góp phần cho việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản lượng hàng hóa cho bà con trên địa bàn. Từ đó, diện tích lúa xuống giống các vụ trong năm như Đông xuân và Hè thu được sản xuất đạt 100,03% so với kế hoạch là 3.280ha. Năng suất bình quân 2 vụ là 7,35/7,25 tấn/ha, đạt 101,37% kế hoạch. Sản lượng 2 vụ tăng 516 tấn so cùng kỳ năm trước.

Theo ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung, thì năng suất so với ngoài cánh đồng lớn tăng lợi nhuận 6,62%, giảm giá thành sản xuất lúa 8,52%, giảm chi phí sản xuất 10,12%. Về việc bao tiêu, thu mua lúa vụ Đông xuân vừa qua được các doanh nghiệp và HTX thực hiện khá tốt. Vụ lúa Đông xuân vừa qua Tập đoàn Lộc Trời hợp đồng với HTX Nông nghiệp Phước Trung hỗ trợ lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua lúa hàng hóa 100ha, giá 6.600 đồng/kg; Công ty Sao Mới hợp đồng với hợp HTX Nông nghiệp Phước Trung hỗ trợ lúa giống và thu mua 100ha, giá 6.600 đồng/kg; Công giống cây trồng Miền Nam hợp đồng với HTX hỗ trợ lúa giống Thiên Châu 16 và thu mua 20ha, giá 7.600 đồng/kg bà con nông dân sản xuất đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, có lãi. Phần diện tích còn lại thương lái tư nhân thu mua.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình trồng màu hiệu quả cho thu nhập cao như: Mô hình trồng dưa hấu đạt lợi nhuận 150 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng nấm rơm trong nhà mang về lợi nhuận 100-120 triệu đồng/năm; hay mô hình vườn cây ăn trái cũng mang về nguồn kinh tế khá, giúp nông dân xã Trường Long Tây đổi đời. Ông T.T.Đ., ngụ xã Trường Long Tây, thông tin: “Hồi trước, tôi tự làm ruộng, không có vô HTX nên kỹ thuật làm chưa tốt, năng suất không đạt như mong muốn. Vậy nên, khi tôi học được phương pháp canh tác trồng sầu riêng từ người anh ở thành phố Vĩnh Long, tôi đã quyết định chuyển đổi mô hình phù hợp. 7 năm trước, tôi đã lên liếp gần 17 công đất lúa kém hiệu quả để trồng sầu riêng. Quyết định này đã đúng đắn, sau 5 năm tôi đã thu về hơn 500 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng 300 triệu đồng/năm. Sau 2 năm thu trái, sản lượng cây sầu riêng cho thu nhập tịnh tiến từng năm nên tôi rất mừng. Hiện tại, vườn sầu riêng của tôi đã thu hoạch với sản lượng ước đạt gần 18 tấn trái, thu nhập gần 800 triệu đồng, lợi nhuận nhận về cao gấp chục lần so với mô hình làm lúa của tôi canh tác trước kia”.

Về lĩnh vực trồng trọt đã cho thấy xã Trường Long Tây có thiên thời địa lợi, cùng với tài nguyên đất đai rộng lớn giúp nông dân có thể phát triển trồng các loại rau màu khác. Chính vì vậy mà mô hình trồng nấm rơm của bà Lê Thị Huỳnh Hoa, ở ấp Trường Phước A, chỉ với diện tích 48m2 mà đem lại hiệu quả trông thấy. Bà Hoa nhớ lại: “Ở đây nông dân trồng lúa nhiều nên lượng rơm rạ rất lớn sau mỗi vụ cắt, mà nông dân hay đốt bỏ hoặc bán cho thương lái nơi khác đến mua với giá thấp nên tôi đã tận dụng nguồn phế phẩm sẵn có này trồng nấm. Nấm khá dễ trồng mà thời gian xoay vòng lại ngắn, chỉ trong vòng 1 tháng là đã xong một vụ nấm. Dưới sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông địa phương và được tham quan mô hình trồng nấm rơm trong nhà của huyện bạn nên tôi càng vững kinh nghiệm lẫn niềm tin và bắt tay làm mô hình trồng nấm”.

Chỉ sau vụ nấm đầu tiên bà Hoa thu được 220kg nấm và bán được với giá 53.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, còn lãi hơn 5 triệu đồng sau 30-35 ngày. Mà mỗi năm bà Hoa có thể trồng 8-10 đợt nấm sẽ mang về nguồn lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng. Mặc dù với diện tích nhỏ nhưng nấm rơm đã mang về nguồn thu nhập khá nên mô hình của bà Hoa được nhiều nông dân lân cận quan tâm và có hướng nhân rộng.

Được biết, hiện nay, toàn xã Trường Long Tây xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi với 777 mô hình, trong đó có 48 mô hình đạt cấp tỉnh, 225 mô hình đạt cấp huyện và 504 mô hình cấp xã. Các mô hình này không những giúp người dân thay đổi đời sống vật chất lẫn tinh thần mà còn góp phần xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương. Từ đó, góp phần thúc đẩy vào công cuộc xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>