Nông dân chủ động xuống giống sớm vụ lúa Đông xuân để né hạn, mặn

17/11/2021 | 09:22 GMT+7

(HG) - Đây là giải pháp trọng tâm được ngành nông nghiệp tỉnh đề ra nhằm đảm bảo vụ lúa chính trong năm (Đông xuân 2021-2022) của tỉnh đạt thắng lợi trên các mặt trước dự báo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt trong mùa khô sắp tới.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân tại những vùng có điều kiện sản xuất thuận lợi chủ động xuống giống sớm vụ lúa Đông xuân để né hạn, mặn vào cuối vụ. 

Cụ thể, theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do sự thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng từ thượng nguồn sông Mekong trong mùa mưa năm nay nên khu vực tỉnh Hậu Giang, tình hình xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm từ 10-20 ngày và diễn ra gay gắt trong tháng 3 và tháng 4-2022. Trong đó, khu vực trên sông Cái Côn, dự báo nước mặn từ triều biển Đông ảnh hưởng huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy, một phần huyện Phụng Hiệp sẽ bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 1-2022 và khu vực ảnh hưởng triều biển Tây có huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, một phần huyện Vị Thủy và thị xã Long Mỹ, nước mặn được dự báo bắt đầu xâm nhập từ cuối tháng 1-2022.

Trước dự báo trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng khung lịch thời vụ xuống giống cụ thể cho vụ lúa Đông xuân 2021-2022, đồng thời khuyến cáo nông dân ở những vùng có điều kiện sản xuất thuận lợi cần chủ động gieo sạ sớm để né hạn, mặn vào cuối vụ. Cụ thể, đợt 1 nông dân trong tỉnh sẽ bắt đầu xuống giống lúa Đông xuân từ ngày 24 đến 30-11 (tức từ ngày 20 đến 26-10 âm lịch); đợt 2 từ ngày 22 đến 28-12 (tức từ ngày 19 đến 25-11 âm lịch). Bên cạnh đề xuất khung lịch thời vụ thì ngành nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị cơ quan chuyên môn của các địa phương trong tỉnh cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, thủy văn, dự báo xâm nhập mặn vào từng thời điểm để kịp thời thông báo cho người dân được biết và chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả. Ngoài ra, ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh vận động người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạ giá thành trước tình hình giá vật tư nông nghiệp ở mức cao, đồng thời tăng chất lượng sản phẩm và nguồn thu nhập như mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “canh tác lúa thông minh”...

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>