Người nuôi thủy sản nỗ lực “sống chung” với dịch

13/08/2021 | 07:37 GMT+7

Trái ngược với thịt heo được ưa chuộng tiêu dùng trong thời gian giãn cách thì nhiều loại thủy sản bị ứ đọng, tuột giá vì thương lái chưa mua được.

Ông Châu Phi dùng nhiều giải pháp để nuôi cầm chừng 5.000 con ếch đang đến lứa bán.

Đầu tiên phải nhắc đến lươn. Đây là loại thức ăn nhiều giá trị dinh dưỡng, thường xuất hiện trong các nhà hàng, quán ăn. Vào thời gian giãn cách xã hội, tất cả các quán ăn, nhà hàng đều ngừng hoạt động. Vì vậy, với số lượng nhân khẩu tại địa phương khó mà tiêu thụ hết lượng lươn thương phẩm mà nông dân đang phát triển, tăng đàn.

Tại xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, thời gian gần đây nhiều hộ dân đã làm bể bạc nhân nuôi lươn. Nhưng do dịch bệnh, hầu hết nông dân đã bỏ bể. Tại HTX Nuôi lươn Thuận Phát, ở ấp 8 thì còn gần 2 tấn lươn đang đến lứa thu hoạch nhưng vẫn “cầm cự” đợi qua dịch. Bởi hiện tại, giá lươn tuột dốc tham hại từ 150.000-200.000đồng/kg giảm xuống còn 100.000-120.000 đồng/kg. “Thương lái cũng muốn mua nhưng không đến được, đa số thương lái hẹn hết giãn cách sẽ thu mua nhưng giá rất rẻ. Vậy nên tôi đã hướng dẫn hộ thành viên cho lươn ăn giảm cử để đợi ngày xuất bán. Thay vì cho ăn 3 lần/ngày thì cho ăn 2 lần để lươn không quá lớn, đến khi bán cũng được giá hơn”, ông Đào Chí Linh, Giám đốc HTX Nuôi lươn Thuận Phát, cho biết.

Tại thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, hộ nuôi lươn nhỏ lẻ như bà Nguyễn Vân Hà, ở ấp Mỹ Hòa, cũng cho 2.500 con lươn ăn cầm chừng. Bà Hà cho hay: “Tôi nuôi được 2 bể lươn được gần 10 tháng rồi, lươn được 300-500g/con nên không dám cho ăn nhiều nữa. Với lại thức ăn lên giá hơn 100.000 đồng/bao nên chỉ cho lươn ăn 2kg thức ăn/ngày. Hiện giờ không ai mua nên lo lắng lắm, cả nhà trông chờ vào đợt lươn này. Mong sao dịch bệnh mau bị dập tắt để bán buôn được thông thương dễ dàng hơn”.

Cũng đồng cảnh ngộ vật nuôi đến lứa mà không bán được, ông Nguyễn Ái Châu Phi, ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, cũng chưa bán được 5.000 con ếch Thái. Ông Châu Phi đã cố gắng kêu gọi thương lái, tuy chốt được giá 35.000 đồng/kg nhưng cũng nhận được câu trả lời là “đợi”. “Giờ đây, giải pháp của tôi là giảm thức ăn cho ếch hàng ngày và tuyển chọn những con ếch to, quá lứa để làm con giống bố mẹ, hướng đến sản xuất ếch giống. Ngoài ra, tôi còn đăng bán sản phẩn trên app UBND tỉnh Hậu Giang, mục Thị trường nông sản, mong rằng có người xem và liên hệ mua”.

Còn con cá tra vẫn luôn chìm trong tình trạng tuột giá không phanh vì khó xuất khẩu do dịch bệnh lúc này. HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, ở xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, đã có hơn ½ số lượng thành viên đang ngưng cho cá ăn. 7/22 thành viên đã không tiếp tục thả nuôi cá cho vụ tới. Ông Phạm Hùng Minh, Phó Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, thông tin: “2 năm nay bị dịch bệnh nên xuất khẩu cá chậm, HTX cũng không ký được hợp đồng bao tiêu nào nên bán cho công ty giá thấp nhưng còn bị hẹn trả dần gần 2 tháng mới nhận được tiền. Thức ăn lại tăng giá mà giá cá sụt chỉ còn 21.000 đồng/kg thì hộ nuôi không có lời”.

Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Chí Hùng cho biết: Theo tình hình hiện tại thì các chợ đầu mối chưa mở cửa nên cũng không thể xuất bán. Đối với các hộ chăn nuôi vẫn chưa bán được trong thời gian giãn cách thì bộ phận chuyên môn của ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con nuôi bình thường, chờ hết giãn cách, giá lên mới bán. Ngoài ra, những hộ muốn bán lươn, ca vào thời điểm này thì đăng ký với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh, nếu đảm bảo đạt chất lượng thì sẽ thu mua. Hiện toàn tỉnh số lượng lươn cũng không nhiều, còn khoảng 5 tấn, sản lượng ếch không đáng kể. Vì vậy, nông dân hãy yên tâm chăn nuôi, đợi qua dịch, buôn bán thông thương thì nhu cầu tiêu thụ tăng, giá cao, bán sẽ có lời hơn.

Trong cái khó ló cái khôn, nhiều bà con nông dân đã sử dụng mọi giải phap để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng đây chỉ là giải quyết trước mắt. Vì vậy, mỗi cá nhân chúng ta phải luôn ý thức, tuân thủ tốt quy định để dịch bệnh mau qua, không còn giãn cách để cuộc sống và việc làm ăn dễ dàng hơn.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>