Kết thúc xuống giống lúa Thu đông vào ngày 30-8

05/08/2021 | 09:14 GMT+7

(HG) - Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành ĐBSCL theo dõi diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa Hè thu để có kế hoạch cụ thể cho vụ Thu đông. Ngoài ra, cũng lưu ý đến chuẩn bị sản xuất vụ Đông xuân 2021-2022. Khi bố trí thời vụ cho lúa Thu đông cần lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa Đông xuân 2021-2022, chú ý kết thúc xuống giống lúa Thu đông vào ngày 20-8, tối đa là ngày 30-8-2021.

Nông dân Hậu Giang tích cực xuống giống lúa Thu đông theo thời gian quy định.

Sử dụng những giống lúa cho vụ Thu đông cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. Từ vụ Hè thu sang Thu đông cần có thời gian giãn cách và làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt, tiêu hủy nguồn bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, tiêu hủy rơm rạ hoặc sử dụng các hoạt chất phân hủy rơm rạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ. Sử dụng phân bón trong vụ Thu đông ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng phải lưu ý đến việc bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão.

Ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm chiếm tỷ lệ 30% trong cơ cấu giống như Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng Hoa 9, VD20, Đài Thơm 8... Giống lúa chủ lực xuất khẩu cần chiếm tỷ lệ 50-60% gồm OM 5451, OM 6976, OM 18, OM 7347, OM 4900... Hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình IR 50404, OM 576.

Theo lịch thời vụ của Sở NN&PTNT tỉnh thì nông dân trong tỉnh Hậu Giang sẽ có 2 đợt xuống giống lúa Thu đông. Đợt 1 từ ngày 3 đến 9-7 và đợt 2 từ ngày 2 đến 8-8.

Tin, ảnh: H.TÂM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>