Giải pháp canh tác mía hạ giá thành

08/11/2021 | 08:09 GMT+7

Năm 2021, vùng mía huyện Phụng Hiệp lại tiếp tục giảm về diện tích so với những năm trước, do giá thu mua thấp và luôn biến động, trong khi chi phí sản xuất cao. Chính vì thế, bà con nông dân nơi đây đã chủ động nâng cao năng suất, chất lượng cây mía để đảm bảo có lời.

Nông dân trồng mía trong tỉnh luôn áp dụng các giải pháp kỹ thuật và giống mía mới để hạ giá thành sản xuất. Ảnh: T.TRÚC

Thay đổi cách làm

Ba mươi năm gắn bó với cây mía, phân nửa thời gian ông Võ Ngọc Sẽ, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, luôn nghiên cứu trồng thử nghiệm các giống mía mới. Vụ trước, ông trồng giống mía KK3 và KU88-24. Sau 10 tháng, năng suất mía bình quân đạt 23-25 tấn/công, chữ đường mía đạt 10-12CCS. Qua hạch toán, giá thành sản xuất của 2 giống mía này chỉ chiếm 650 đồng/kg, thấp hơn gần 100 đồng/kg so với người dân áp dụng các giống mía truyền thống như ROC 16. Đến nay, ngoài 2 giống mía trên, ông trồng thêm 4 giống mới để chia sẻ kinh nghiệm cùng nông dân trong vùng. Bởi với ông, nếu không giảm chi phí đầu vào, tăng chữ đường nông dân làm mía cứ lẩn quẩn trong thua lỗ. Ông Sẽ cho biết: “Bản thân tìm tòi những giống mía mới để sản xuất trước hết là cải thiện kinh tế gia đình, thứ hai là chuyển giao cho bà con sản xuất. Bởi các giống mía trước đây đa phần bị lão hóa, năng suất và chất lượng đều giảm. Nếu tiếp tục trồng thì chi phí tăng cao nhưng hiệu quả mang lại thấp”.

Bên cạnh việc chủ động áp dụng các giống mía mới, cho chất lượng cao thì trong quá trình canh tác, các khâu sản xuất mía đều được bà con trồng mía chú trọng. Với nhiều lão nông dày dặn kinh nghiệm, để kết hợp giữa năng suất mía và chữ đường cần chú ý các yếu tố về giống, môi trường và kỹ thuật. Phải chuẩn bị chu đáo khâu làm đất, đảm bảo mật độ thích hợp cho mía, chú ý đến loại phân và cách bón phân cho mía. Bà con cần bón cho mía 3 đợt phân là: bón lót và thúc lần 1 để đảm bảo số cây nhiều trong hàng, bón thúc lần 2 khi cây vươn lóng và tích lũy đường lúc mía đạt từ 4-6 tháng. Thời điểm trồng mía trước mùa nắng hạn, phù hợp nhất là tháng 10 và tháng 11 sẽ cho chữ đường cao. Nếu xuống giống từ tháng 12 đến tháng 3 vào đúng mùa nắng, độ ẩm đất thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mía, còn trồng ở giai đoạn tháng 4, 5, 6 đầu mùa mưa năng suất, chất lượng mía bị sụt giảm. Mía là cây trồng cạn nhưng lại rất “khát” nước nên tưới đều đặn theo chu kỳ sinh trưởng.

Bà Nguyễn Thị Nhãn, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Những năm gần đây khi giá mía bấp bênh nên việc đầu tư phân bón cho cây mía cũng dè dặt hơn mọi năm. Tùy vào giai đoạn sinh trưởng của cây mía mà bón từng loại phân, lượng phân phù hợp. Phân được bón đúng thời điểm, cây mía sẽ sinh trưởng và cho năng suất cao, chứ không phải bón nhiều là cho hiệu quả”.

Vụ mía này, nông dân ở vùng mía Phụng Hiệp trồng hơn 4.725ha, đạt 99,5% kế hoạch, trong đó diện tích trồng giống chín sớm như giống ROC 16 và tương đương là 3.378ha, chiếm 71,5% diện tích, 1.347ha trồng giống chín muộn, chiếm 28,5%. Ông Nguyễn Văn Đằng, ở huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Mỗi giống mía có thời gian sinh trưởng khác nhau nên khi xuống giống mình phải nhớ thời điểm rồi tính thời gian thu hoạch cho phù hợp. Đối với vùng mía huyện Phụng Hiệp có đặc điểm là khi mía đủ thời gian sinh trưởng cũng là mùa nước nổi về, nước ngập lên tới chân mía là chữ đường sẽ tăng. Do đó mình cần phải chủ động khi nước ngập tới mặt liếp là phải chuẩn bị thu hoạch trong khoảng thời gian 1 tháng đổ lại, nếu qua một tháng không thu hoạch cây mía sẽ xuống lá, khi đó chữ đường mía cũng sẽ giảm theo”.

Hướng đến cánh đồng lớn

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Căn cứ vào từng khu vực, thời gian xuống giống và cơ cấu giống hàng năm huyện đều chia vụ thu hoạch mía làm nhiều đợt. Những khu vực nào xuống giống sớm cơ cấu giống mía ngắn ngày sẽ cho thu hoạch trước, nơi nào sản xuất mía chín muộn sẽ thu hoạch sau. Đặc biệt là ưu tiên cho những nơi đất thấp mía bị ngập, chính vì thế mà chữ đường mía bình quân cả vụ những năm gần đây đạt từ 10-12 CCS, cao hơn 2 CCS so với cách đây 3 năm.

Cũng theo ông Tuấn, để mía đạt năng suất và chất lượng điều quan trọng là người dân thu hoạch mía đúng thời điểm. Vì tâm lý sợ mía vào giữa mùa thu hoạch nhà máy đường sẽ thu mua với giá thấp nên nông dân trồng mía thu hoạch khi mía còn non, chữ đường mới chỉ 6-7 CCS. Người dân có thể sử dụng máy đo độ ngọt, khi mà độ ngọt dưới gốc và trên ngọn ngang bằng nhau thì đó là lúc mía chín, thu hoạch ngay lúc này sẽ tốt nhất.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, giá bao tiêu mía qua các năm 2019 và 2020 chỉ dao động từ 700-810 đồng/kg mía đạt 10 chữ đường. Giá bao tiêu trên xấp xỉ giá thành sản xuất do chi phí đầu tư ngày càng cao như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí lao động... luôn tăng qua các vụ mía; đặc biệt là giá thuê nhân công lao động. Nguyên nhân là do nguồn lao động địa phương ngày càng thiếu hụt. Vì vậy, nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất mía là rất cấp thiết, thế nhưng việc làm này lại không hề dễ dàng như nhiều cây trồng khác. Bởi việc giá thành, tăng khả năng cạnh tranh còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề vốn đầu tư, dồn điền đổi thửa khó triển khai thực hiện vì tập quán hộ dân có diện tích nhỏ lẻ, đơn vị cung cấp thiết bị máy móc cơ giới hóa trên cây mía còn hạn chế dẫn đến việc đánh giá thổ nhưỡng đáp ứng cơ giới hóa chưa được. Vì vậy, hiện tại các vùng mía của tỉnh chỉ thực hiện cơ giới hóa ở khâu bơm tưới, còn các khâu trồng, thu hoạch phải chấp nhận tốn rất nhiều công lao động, từ đó làm giá thành sản xuất mía vẫn đang ở mức cao.

 Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, địa phương và nhà máy đường xây dựng mô hình cánh đồng mía lớn để hướng đến cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng trồng mía tập trung gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Trước mắt, sẽ xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía với quy mô 200ha và dự kiến thực hiện tại huyện Phụng Hiệp. Mô hình sẽ áp dụng kỹ thuật đồng bộ và nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa từ khâu gieo trồng đến thu hoạch. Mặt khác, tỉnh cũng sẽ tính đến việc quy hoạch lại nhu cầu sản xuất đáp ứng thị trường mía chục, mía nước với yêu cầu như chữ đường cao và hình dáng cây mía đẹp; đồng thời tập trung vào tuyên truyền, tập huấn để khuyến khích nông hộ sử dụng hiệu quả nguồn lực, đặc biệt là giống để hạ giá thành sản xuất.

Niên vụ mía 2020-2021, nông dân trong tỉnh xuống giống được 5.040ha, đạt 101% kế hoạch, giảm 14,7% so với cùng kỳ, phân bố ở huyện Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy. Hiện đã thu hoạch được 961ha, năng suất trung bình ước đạt 100 tấn/ha, giá bán 1.200-1.600 đồng/kg (bán mía nước). Đến nay, có 314,35ha được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu và hỗ trợ vật tư đầu vào, thấp hơn so với cùng kỳ là 2.358,35ha. UBND tỉnh cũng đã làm việc với Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ để thống nhất thời gian vào vụ nhằm tiêu thụ mía cho người dân.

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>