Giá phân bón tăng kỷ lục, nông dân lo lắng

09/11/2021 | 06:51 GMT+7

Giá phân bón liên tục “leo thang” trong những ngày qua khiến nông dân gặp khó trong sản xuất. Nhiều người đứng trước nguy cơ hòa vốn, thậm chí thua lỗ.

Ông Trương Văn Cường, ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đang rải phân đáy, đậy màng phủ để trồng dưa hấu.

Nguy cơ thua lỗ

Ngồi soạn mấy bao phân để rải cho 5 công đất trồng khổ qua và dưa hấu sau nhà chuẩn bị cho vụ tết sắp đến, ông Trương Văn Cường, ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, chỉ tay vào số phân bón ở góc nhà cho biết năm nay giá vật tư đầu vào, nhất là phân bón tăng liên tục khiến chi phí sản xuất cũng tăng theo. Trồng dưa hấu thì ngoài phân bón còn phải mua thêm màng phủ nông nghiệp, vốn bỏ ra năm nay cao hơn những năm trước.

Ông Cường chia sẻ: Trước đây, tôi bỏ ra khoảng 700.000 đồng là có thể mua được một bao phân, nhưng nay phải tốn hơn 1 triệu đồng/bao. Phân hữu cơ cũng đội giá theo, nhưng có điều tăng chậm hơn phân vô cơ. Dù giá cao nhưng gia đình tôi cũng bấm bụng sử dụng vì cắt giảm nhiều quá thì hoa màu sẽ bị thất mùa. Nếu mình mua gối đầu với đại lý phân bón thì cuối vụ phải trả thêm từ 50.000 đến 100.000 đồng/bao. Tính ra khoảng 2kg khổ qua mới mua được 1kg phân, nếu trồng đạt năng suất, giá ổn định thì mới có lãi, chứ đất mướn thì cầm chắc lỗ vốn.

Còn ông Nguyễn Văn Qườn, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, canh tác 7 công lúa, cho hay vụ Hè thu vừa qua, mỗi công lúa sau khi trừ hết chi phí, ông còn lãi khoảng 400.000 đồng. Hiện, ông Qườn đang vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ vụ Đông xuân nhưng nghe giá phân tăng quá cao ngay đầu vụ, khiến ông lo lắng.

“Bình thường mọi năm chi phí vừa phân, thuốc, lúa giống, trục hết khoảng 1,6 triệu đồng/công. Trừ hết chi phí nông dân còn lời rất thấp, nhưng với giá phân, thuốc đều tăng thì người trồng lúa cầm chắc thua lỗ”, ông Qườn trăn trở.

Dạo quanh các cửa hàng, đại lý vật tư nông nghiệp, không khó để nhận ra giá các loại phân bón đều đang “nóng”. Đơn cử như phân DAP nhập khẩu có mức giá khoảng 22.000 đồng/kg, DAP sản xuất trong nước cũng nằm ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg; phân urê dao động ở mức từ 14.000-16.000 đồng/kg; phân kali cũng ở mức từ 13.500-16.000 đồng/kg… Nhiều nông dân cho biết, mức giá này đã tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020. Nếu như phân DAP trước đây chưa đến 10.000 đồng/kg thì nay đã lên trên 20.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng trong vòng 1 tháng qua, nhiều loại phân bón đã tăng từ 1.000-2.800 đồng/kg.

Giá phân bón tăng và duy trì ở mức cao khiến nhiều nông dân như ông Cường, ông Qườn phải tính toán kỹ trong việc canh tác. Trong khi một số nông dân sản xuất cầm chừng thì số khác bắt đầu tìm cách cắt giảm lượng phân bón hoặc chuyển sang phân hữu cơ để giảm chi phí đầu tư. Một trong những nông dân áp dụng cách làm này là ông Nguyễn Văn Nhanh, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy. Theo tính toán của ông Nhanh, với 2.000 nọc trầu, mỗi năm ông sử dụng 30 bao phân hữu cơ, tương đương 6 triệu đồng, tiết kiệm phân nửa so với phân hóa học.

Ông Nhanh bộc bạch: “Bây giờ phân lên giá quá trời. Giá trầu không lên, chi phí vừa nhân công hái với tiền mua phân là không có lời. Giá cao nhưng tôi cũng rải y vậy, chứ rải ít sợ cây không tốt. Giờ tôi chuyển sang phân hữu cơ làm cho nhẹ chi phí lại chứ đâu còn cách nào nữa”.

Thích ứng linh hoạt

Nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp cho biết, sau nhiều đợt tăng giá, phân bón hiện duy trì ở mức cao. So với đầu năm, giá phân bón đã tăng 100.000-400.000 đồng/bao. Điều này khiến sản xuất của nông dân đã khó lại càng khó hơn. Trong đó, phân hóa học là loại tăng nhiều nhất, tiếp đến là phân hữu cơ và phân sinh học. Nhìn chung, sức mua không giảm, do phải sử dụng để sản xuất trong nông nghiệp. Nhưng thay vì trước đây mua 10kg phân vô cơ thì nay ít lại, thay vào đó là phân hữu cơ để giảm giá thành sản xuất.

Đại diện Cửa hàng vật tư nông nghiệp Cường Thịnh, ở thành phố Vị Thanh, cho biết: Thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 15-30%, phân vô cơ tăng mạnh nhất, nhiều loại tăng gần gấp đôi, như: DAP trước khoảng 700.000 đồng/bao, giờ trên 1,2 triệu đồng/bao. Phân hữu cơ tăng khoảng 20%, tầm khoảng 250.000-270.000 đồng/bao loại 50kg, tăng mỗi bao khoảng 50.000 đồng, nguồn hàng đầy đủ.

“Nhất nước, nhì phân”, trong sản xuất nông nghiệp thì phân bón là yếu tố quan trọng xếp sau nước nên muốn canh tác hiệu quả, năng suất thì họ vẫn phải bấm bụng sử dụng. Thực tế này đã làm cho giá thành tăng, người sản xuất gánh thêm nhiều chi phí trung gian nên lợi nhuận rất thấp, còn người tiêu dùng thì phải mua hàng với giá cả cao hơn. Đặc biệt, trong sản xuất lúa, phân bón chiếm tỷ lệ khoảng 23% trong tổng chi phí sản xuất, nếu là cây ăn trái tỷ lệ này còn cao hơn. Do đó, khi phân bón tăng cao đã đội chi phí đầu vào tăng đáng kể gây khó khăn cho nông dân.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thông tin: Giá phân vô cơ hiện nay tăng rất cao, làm chi phí sản xuất tăng, giá thành sản xuất ra nông sản cũng đội lên. Bà con nông dân nên giảm lượng phân bón. Thời gian vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật khuyến cáo người nông dân, đối với cây lúa nên áp dụng các biện pháp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để giảm lượng lúa giống gieo sạ và giảm các loại phân bón.

“Bà con nông dân nên giảm phân bón vô cơ, song song đó, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ ở từng giai đoạn thích hợp để cải tạo và tăng độ màu mỡ cho đất, kết hợp với hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Trong canh tác có thể áp dụng các biện pháp tỉa cành, tỉa trái để cây khỏe mạnh, đủ dinh dưỡng nuôi cây, nuôi trái”, ông Bạch Văn Sơn cho biết thêm.

Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT cho biết tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, hiện lượng phân bón vô cơ đang được sử dụng cao hơn 35,3% so với trung bình toàn quốc, trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng chỉ bằng 27,3% so với trung bình toàn quốc. Thuốc BVTV hóa học được sử dụng tại khu vực ĐBSCL đang cao hơn mức trung bình toàn quốc là 71,9%.

 

Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>