Đồng bằng sông Cửu Long: Thu nhập cao từ cây ăn trái

27/10/2017 | 08:16 GMT+7

Mấy năm gần đây, phong trào chuyên canh vườn cây ăn trái ở các tỉnh ĐBSCL phát triển khá mạnh do có nguồn thu nhập cao. Điều đáng mừng là xuất khẩu rau quả đang tăng mạnh, từ đó kích thích nông dân đầu tư cho cây ăn trái về năng suất và chất lượng nhằm đưa sản phẩm ra các thị trường khó tính.

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch quýt đường.

Lợi nhuận cao

Ông Huỳnh Hữu Phúc, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tôi vừa bán 2 tấn cam với giá 15.000 đồng/kg, thu được khoảng 30 triệu đồng; đây là mức giá tương đối thấp so với những đợt thu hoạch trước, nhưng tính ra vẫn đảm bảo lợi nhuận từ 5.000 đồng/kg trở lên”. Chia sẻ về hiệu quả của nghề làm vườn, ông Lâm Văn Khéo, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, kể: “Trước đây vợ chồng tôi làm 3 công ruộng, mỗi năm 3 vụ, vậy mà khi thu hoạch lúa xong thì chẳng dư bao nhiêu. Thấy sản xuất lúa cực nhọc mà không hiệu quả nên tôi đi học kinh nghiệm làm vườn và chuyển đổi sang trồng quýt đường. Sau 3 năm chăm sóc, 3 công quýt bắt đầu cho trái; nhờ trúng mùa, được giá đã giúp gia đình thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm, cao gấp hàng chục lần so với làm lúa”.

Không riêng gì Đồng Tháp, mà ở Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang… nhiều nông dân đã vươn lên nhờ canh tác vườn. Ông Đào Văn Minh, ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, tiết lộ: “Từ đầu năm 2017 đến nay, giá bưởi da xanh dao động từ 35.000-50.000 đồng/kg, có lúc vượt lên 55.000 đồng/kg. Cùng với giá cao thì bưởi da xanh luôn hút hàng, thương lái tìm đến vườn để thu mua. Chính điều này mà 8 công bưởi da xanh của tôi đảm bảo thu nhập mỗi năm khoảng 1 tỉ đồng, so ra cây lúa hoặc một số loại cây khác không bằng được”.

Ông Đặng Văn Nám, ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, khoe: “Những năm 2010, sau khi tìm hiểu các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao thì tôi phát hiện trái bưởi da xanh đang hút hàng. Thế là tôi lặn lội đi mua cây giống mang về trồng thử nghiệm trên 8 công vườn. Sau 3 năm trồng, vườn bưởi da xanh cho trái đợt đầu chưa nhiều; đến năm thứ 5 trái sai oằn, thương lái vào tận vườn mua với giá 40.000-60.000 đồng/kg. Thấy bưởi da xanh rất hiệu quả nên tôi chuyển đổi toàn bộ đất đai sang trồng loại bưởi này. Năm 2015, vườn bưởi da xanh được mở rộng lên 32 công, cho thu nhập hơn 3 tỉ đồng. Năm 2016, với hơn 100 tấn bưởi da xanh, giúp gia đình tôi thu về khoảng 4 tỉ đồng, số tiền trong mơ đối với người dân nông thôn”.

Bỏ lúa, làm vườn

Theo Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu rau quả của cả nước đạt khoảng 2,64 tỉ USD, tăng 45% so cùng kỳ. Cùng với việc tăng trưởng mạnh thì trái cây nước ta được xuất sang những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, châu Âu… ngày càng nhiều. Chính từ tín hiệu tích cực trên mà nông dân đã mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi đất lúa, đất kém hiệu quả… sang canh tác vườn. Hiện tại, các địa phương có diện tích cây ăn trái lớn là Tiền Giang với gần 70.600ha, Vĩnh Long gần 42.000ha, Hậu Giang trên 30.740ha, Sóc Trăng trên 28.000ha, Bến Tre gần 28.000ha, Đồng Tháp gần 23.000ha… 

Ông Phan Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Toàn xã có gần 800ha vườn và phong trào trồng cam sành trên đất lúa phát triển khá mạnh, đây được xem là lợi thế kinh tế của địa phương bởi thực tế đã có nhiều mô hình nông dân trồng cam sành làm giàu, được điển hình nhân rộng. Thống kê cho thấy, cam sành khi trồng từ 18-24 tháng tuổi thì cho trái và cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/công. Định hướng trong 3 năm tới, xã Trà Côn tiếp tục chuyển đổi khoảng 140ha đất lúa sang trồng cam sành. Vì vậy, xã đang tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa; hình thành hợp tác xã để chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đăng ký thương hiệu cho trái cam sành. Bà Trần Thanh Thùy, cán bộ nông nghiệp xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, nhận định: “Vườn cây ăn trái rất triển vọng nên diện tích ở xã không ngừng tăng, hiện đã vượt 500ha. Chỉ tính riêng ở ấp Mỹ Phó, người dân chuyển toàn bộ 90ha đất lúa sang canh tác vườn (chủ yếu là cam sành) và một ít rau màu. Vấn đề hiện nay là hạn chế làm vườn kiểu nhỏ lẻ, mà tiến tới mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm gắn kết với doanh nghiệp để dễ dàng trong khâu tiêu thụ”.

Các nhà chuyên môn cũng cho rằng, hiệu quả vườn cây ăn trái ở ĐBSCL đã được khẳng định. Nhưng để phát triển bền vững thì cần khắc phục hạn chế về sản xuất manh mún, vườn cây có năng suất, chất lượng cao còn ít, một số nơi trồng không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng “trồng, chặt”; diện tích vườn cây được chứng nhận GAP rất ít… từ đó ảnh hưởng đến việc thu mua và xuất khẩu. Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam lưu ý các tỉnh cần quan tâm nhiều hơn việc canh tác vườn cây theo tiêu chuẩn GAP, bởi chúng ta đã hội nhập quốc tế, vì vậy cần đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Có như vậy trái cây mới phát triển bền vững, nông dân sẽ ổn định nguồn thu từ làm vườn…

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>