Điểm mới ở xã nông thôn mới nâng cao Thuận Hưng

25/04/2022 | 08:12 GMT+7

Xã nông thôn mới (NTM) là phải sạch, phải mới, khang trang,... Đây chính là những tiêu chí hàng đầu để Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, quan tâm, phấn đấu xuyên suốt thời gian qua. Nhờ xác định hướng đi ngay từ đầu nên Thuận Hưng đã gặt hái được trái ngọt, thành công xây dựng xã NTM nâng cao, bộ mặt xã luôn tươi mới, nâng tầm, 16/16 tiêu chí đạt theo tiêu chuẩn xã NTM nâng cao.

Xã NTM Thuận Hưng còn nổi bật với hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời đã phủ kín trên 80% các tuyến lộ lớn, nhỏ trên địa bàn xã.

Khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, xã xác định tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí còn thấp như: tiêu chí số 2 về giao thông, tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 17 về môi trường... Bởi đây là tiêu chí phải thực hiện lâu dài, thường xuyên. Để người dân nhận thức được xây dựng NTM nâng cao là quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó cấp ủy, chính quyền các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, tạo được sự thống nhất trong hành động, nhất là xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đồng thời, vận động Nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao thu nhập; phát động phong trào thi đua gắn với thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao. Từ đó, hàng loạt các phong trào vận động được Nhân dân ủng hộ, hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tiêu chí giao thông với tỷ lệ đạt khá cao so với yêu cầu đề ra, như: tỷ lệ đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 92,72% (vượt 17,72%). UBND xã đã tổ chức vận động Nhân dân, phối hợp các ngành chuyên môn huyện triển khai thực hiện nâng cấp, sửa chữa 9 tuyến đường, 7 cầu giao thông và lắp đặt 10,3km hệ thống đèn chiếu sáng dọc các tuyến đường trên địa bàn xã với kinh phí thực hiện hơn 14,179 tỉ đồng. Đặc biệt, tiêu chuẩn môi trường phải luôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Xã thực hiện được các mô hình thu gom, phân loại rác thải. Các hộ dân trên địa bàn xã sống rải rác không tập trung nên việc cho xe thu gom rác tập trung trên địa bàn là không thể thực hiện. Dựa trên điều kiện thực tế của địa phương, xã đã triển khai hướng dẫn các hộ dân trên địa bàn xã phân loại và xử lý rác thành 4 loại: rác hữu cơ (đem ủ thành phân tiếp tục bón cho cây trồng), rác có thể tái chế (đem bán cho các sạp ve chai), rác thải từ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (được gom tập trung vào 1 điểm, định kỳ 6 tháng sẽ có người thu gom) và các loại túi nilon (đốt) và tổ chức 2 mô hình thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Từ đó, 100% số lượng rác thải của người dân đều được thu gom và xử lý đúng quy định.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, ở ấp 6, cho biết: “Từ khi xã đặt thùng rác trên tuyến lộ thì bà con ở đây vui lắm và hưởng ứng hỗ trợ tiền cho tổ thu gom rác. Vì có thùng rác thì chất thải được thu gom, giảm tình trạng vứt rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường cũng như giữ gìn vệ sinh xung quanh nhà trong lành, sạch sẽ.

Dọc tuyến đường chỗ ông Minh ở chỉ khoảng 2,5km nhưng được hỗ trợ 50 thùng rác và cũng được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời với khoảng cách 40m lắp 1 đèn. Mô hình này được thực hiện đã góp phần mang lại sự sạch đẹp vào ban ngày cũng như sáng trong, an lành khi đêm về cho con đường, cuộc sống của người dân ở đây cũng an toàn, chất lượng dần được nâng lên.

Công tác phát triển sản xuất nông nghiệp được quan tâm, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao giúp cho thu nhập của người dân tăng lên. Bằng phương pháp vận động Nhân dân tăng gia sản xuất, xã đã hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay từ các chương trình đã giúp người dân chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng chất lượng, hiệu quả. Song song đó, nhân rộng các mô hình sản xuất có thu nhập cao trên địa bàn, khuyến khích các lao động nhàn rỗi tìm việc làm, liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay tạo tư liệu sản xuất cho các hộ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, góp phần tăng thu nhập cho hộ dân. Đến nay, toàn xã có 75 mô hình cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm, 120 mô hình sản xuất có hiệu quả cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm trở lên, 16 mô hình cho thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Tiêu biểu có mô hình như trồng nấm rơm, nuôi lươn, trồng rau thủy canh, trồng bưởi da xanh...

Cùng với sự phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Thuận Hưng còn tích cực quan tâm tạo điều kiện thu hút đầu tư và đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề phụ. Xã triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các cơ sở công nghiệp nông thôn nhiệt tình hưởng ứng đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Từ kết quả đó, xã đã thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nên tạo được việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, trên địa bàn xã có 46 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đang hoạt động hiệu quả, thu hút 156 lao động với thu nhập bình quân từ 50-70 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động có việc làm toàn xã được nâng lên. Từ đó, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể, còn 0,09% (chỉ còn 2 hộ).

Theo bà Phạm Thị Hường, Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng, vừa qua xã đã được các sở, ngành tỉnh đánh giá, bỏ phiếu công nhận đạt 16/16 tiêu chí xã NTM nâng cao và chuẩn bị chờ ngày làm lễ công nhận. Tuy vậy, hiện xã Thuận Hưng vẫn luôn quan tâm tạo cảnh quan đẹp cho đoạn đường chính vào xã, trồng nhiều cây xanh, vận động người dân tiếp tục gìn giữ vệ sinh môi trường, dọn dẹp cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, luôn gìn giữ bộ mặt xã NTM nâng cao tươi mới và đúng chất lượng.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>