Nông dân tích cực bảo vệ môi trường

23/08/2021 | 10:20 GMT+7

Các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tích cực xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần tạo cho cảnh quan, môi trường được trong lành, sạch đẹp.

Ông Lê Thanh Trọng thường xuyên gom những vỏ chai lọ sau khi sử dụng cho vào bọc ni lông chờ đến ngày ấp thu gom ra điểm tập kết.

Phải khẳng định rằng, nhận thức của người dân, cán bộ, hội viên nông dân trong bảo vệ môi trường ngày càng nâng lên. Người dân đã nhận thức sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Vì chính điều này sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp hơn.

Nông dân Lê Thanh Trọng, ở ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Gia đình tôi chuyên trồng đu đủ để bán, hiện tại trồng được 6 công đang trong đợt thu hoạch. Qua thông tin trên báo, đài và được chính quyền địa phương tuyên truyền nên bản thân tôi thấy được tác hại của việc vứt rác, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi làm ảnh hưởng đến sinh vật và môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Từ đó, tôi đã thay đổi rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp, luôn thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật trồng, sử dụng phân thuốc đúng cách. Đối với vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng thì gom lại vào bọc để tập trung vào một nơi. Sau đó đợi tới đợt thị trấn tổ chức thu gom, tôi mang ra đem đi tiêu hủy”.

Ông Phan Thanh Lâm, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Trong phát triển sản xuất nông nghiệp huyện tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng an toàn và đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng yêu cầu thị trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Trong sản xuất luôn chỉ đạo các tổ kỹ thuật xã, thị trấn hướng dẫn nông dân sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Tuyên truyền người dân thay đổi thói quen vứt rác, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật ra kênh, sông mà nên tập hợp lại ở các hố, địa điểm chứa chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật để thu gom.

Hiện tại, trên địa bàn các xã, phường của thành phố Vị Thanh đã hình thành được những vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng rau an toàn. Bà Nguyễn Thị Hạnh, viên chức Trạm Khuyến nông thành phố Vị Thanh, cho biết: Để giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trạm khuyến cáo nông dân sản xuất theo hướng 3 giảm, 3 tăng và 1 phải, 5 giảm. Trạm thường xuyên phối hợp với tổ kỹ thuật các xã, phường kiểm tra, theo dõi những mô hình sản xuất nông nghiệp để hướng người dân sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh rất chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường cho hội viên. Hướng dẫn và vận động hội viên nông dân thu gom, phân loại chất thải ngay tại gia đình. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải nông thôn. Đồng thời, tuyên truyền người dân cùng chung tay thực hiện đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Nguyễn Huy Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Trong tháng 3 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành, triển khai kế hoạch thực hiện đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đến cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh. Thông qua các buổi họp, sinh hoạt định kỳ của chi, tổ hội ở ấp, khu vực, hội nông dân các cấp tuyên truyền về các nội dung của đề án, chính sách pháp luật về môi trường. Vận động cán bộ, hội viên nông dân chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Kết quả có 76.239 lượt cán bộ, hội viên tham dự. Đồng thời, tuyên truyền thông qua bản tin Hội Nông dân về nội dung trong đề án Hậu Giang xanh như bảo vệ môi trường ở nơi công cộng và trong cộng đồng, xử lý chất thải trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

 Ngoài ra, trong thực hiện nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã xây dựng và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường như mô hình thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể, đầu năm đến nay đã thành lập được 5 tổ thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật với 73 thành viên, nâng tổng số đến nay có 438 tổ với 3.216 thành viên. Qua đó nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên nông dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, sống hài hòa và thân thiện với môi trường, từng bước chuyển biến hành vi của cán bộ, hội viên nông dân về các hoạt động bảo vệ môi trường.

Song song đó, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các Hội Nông dân thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tham gia thí điểm mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo kế hoạch triển khai thực hiện đề án Hậu Giang xanh. Kết quả đến nay Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Vị Thanh đã chọn 500 hộ thuộc phường I, III, IV, V, VII và xã Tân Tiến. Còn Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Ngã Bảy đã chọn được 100 hộ thuộc ấp Đông Bình, xã Tân Thành, để thí điểm mô hình. Thông qua công tác tuyên truyền và thực hiện các mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động cụ thể về bảo vệ môi trường của cán bộ, hội viên nông dân.

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>