Người dân cần cảnh giác giông lốc trong thời điểm giao mùa

09/05/2021 | 16:53 GMT+7

Đây là khuyến cáo của ông Trần Thanh Toàn (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, khi trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về công tác dự báo, tình hình thiên tai và những lưu ý trong công tác phòng ngừa thiên tai khi đang vào giai đoạn chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa. Ông Toàn cho biết:

- Theo dự báo của IRI/CPC (Trung tâm Dự báo Khí hậu - Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu và Xã hội) về tình hình thời tiết, thiên tai tại vùng ĐBSCL cho thấy, giai đoạn từ tháng 5, tháng 6, ENSO vẫn có xác suất xuất hiện tình trạng trung tính là nhiều. Chuyển sang giai đoạn từ tháng 7, 8 và tháng 9, tuy vẫn là trung tính nhưng lại có xu thế nghiêng về pha lạnh (La Nina). Xác suất xuất hiện tình trạng trung tính của ENSO trong mùa lũ là lớn nhất (44%), tiếp đó là La Nina (42%), cuối cùng là El nino (12%). Với kiểu thời tiết như trên, năm nay cần hết sức lưu ý có thể xảy ra lượng mưa trong mùa lũ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Về dự báo bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong tháng 5 này, bão và ATNĐ ít có khả năng xuất hiện trên biển Đông. Mùa bão khả năng sẽ bắt đầu vào tháng 6 với những cơn bão trên khu vực Bắc biển Đông. Cũng từ tháng 6 đến tháng 8 tới, mực nước trên sông Mekong sẽ lên dần và ở mức tương đương với TBNN; thời gian xuất hiện đỉnh lũ chính vụ vào khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.

Riêng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai trong mùa mưa bão năm nay sẽ như thế nào, thưa ông ?

- Mùa mưa năm nay xuất hiện trên địa bàn tỉnh được xác định sớm hơn TBNN khi bắt đầu vào đầu tháng 5 và kết thúc vào tuần cuối tháng 11. Tổng lượng mưa trong tháng 5 cao hơn TBNN từ 15-20%, còn từ tháng 6 đến tháng 10 sẽ ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 10-20%. Riêng trong tháng 7 và 8 nhiều khả năng diễn ra 1-2 đợt giảm mưa, thời gian kéo dài khoảng 5-7 ngày/đợt. Về thủy văn, mực nước trên hệ thống kênh, rạch trong tỉnh biến đổi theo triều; trong đó từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 11 sẽ ảnh hưởng lũ trên sông Hậu. Dự báo mùa lũ tới đây trên địa bàn tỉnh sẽ đạt đỉnh cao nhất năm xuất hiện vào giữa đến cuối tháng 10. Cụ thể, tại trạm Vị Thanh có khả năng đạt từ 0,75-0,85m, đây là mức cao hơn TBNN, nhưng thấp hơn năm 2020 từ 0,05-0,10m; còn tại Phụng Hiệp sẽ ở mức từ 1,55-1,65m, đây là mức xấp xỉ năm 2020 và cao hơn TBNN.

Khu vực tỉnh Hậu Giang ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão và ATNĐ, tuy nhiên cần đề phòng các cơn bão mạnh, các cơn bão xuất hiện vào cuối mùa có hướng di chuyển phức tạp và hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh kết hợp với hoàn lưu các cơn bão, ATNĐ sẽ gây ra mưa lớn, giông, lốc xoáy, sét đánh trên diện rộng trong tỉnh. Đặc biệt, tình hình giông, lốc xoáy, mưa lớn... sẽ xuất hiện nhiều trong thời kỳ chuyển mùa từ tháng 4 đến tháng 6 trên địa bàn tỉnh, qua đây gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, vật chất và sinh hoạt của người dân.

Xin ông cho biết cụ thể về sự ảnh hưởng của thiên tai trong giai đoạn chuyển mùa trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh như thế nào ?

- Từ giữa tháng 4 đến nay là thời kỳ chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa, với tổng lượng mưa đo được tới nay, gồm: tại Trạm Khí tượng Vị Thanh là 183,2mm, Trạm Thủy văn Vị Thanh là 111,6mm, Trạm Thủy văn Phụng Hiệp là 31,4mm và Trạm Rạch Gòi là 49,2mm. Điều đáng quan tâm là tuy mới trong giai đoạn chuyển mùa nhưng tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh luôn diễn biến khá phức tạp; trong đó tình trạng mưa lớn cục bộ kèm theo giông, lốc, sét đã gây thiệt hại về nhà cửa, cơ sở vật chất của người dân ở một số địa phương trong tỉnh. Cụ thể, nhà sập có 6 căn, tốc mái 11 căn và một xưởng sản xuất, đồng thời giông lốc còn làm hư một trạm biến điện. Nhìn chung, theo phương châm “4 tại chỗ” thì ngay sau khi có sự cố về nhà sập, tốc mái, ngành chức năng và chính quyền địa phương đều sớm có mặt tại hiện trường để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. 

Ngoài ra, do tình hình nắng nóng, hạn hán kéo dài trong mùa khô, mưa lớn vào thời điểm chuyển mùa và tốc độ dòng chảy trên sông tăng nhanh nên thời gian gần đây, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra nghiêm trọng. Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận có 14 điểm sạt lở bờ sông, tăng 7 điểm so với cùng kỳ. Trong tổng số điểm sạt lở thì huyện Châu Thành có 13 điểm và một điểm ở thành phố Ngã Bảy. Tổng chiều dài sạt lở là 328m, diện tích mất đất là 1.785m2; trong đó sạt lở đã làm sụp hoàn toàn nhiều đoạn lộ giao thông nông thôn và nhà dân. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay hơn 3 tỉ đồng; tăng gần 2,4 tỉ đồng so với cùng kỳ.

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh khuyến cáo người dân tổ chức cắt tỉa các cành cây xung quanh nhà để tránh đổ ngã, đảm bảo an toàn khi có giông lốc.

Trước những dự báo và tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là giông lốc thường xuyên xảy ra thì ông có khuyến cáo gì đối với các ngành chức năng và người dân trong tỉnh nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra ?

- Trước tiên, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên theo dõi tình hình dự báo về diễn biến thời tiết, nhất là bão, ATNĐ, mưa giông,... để thông tin kịp thời đến cấp chính quyền, người dân, nhất là ở những vùng thấp, trũng ven sông để chủ động có biện pháp phòng, tránh hiệu quả. Đặc biệt, khuyến cáo người dân có biện pháp chằng, chống nhà cửa thiếu an toàn, cũng như cắt tỉa các cành cây xanh xung quanh nhà để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con. Mặt khác, khi có giông lốc, sấm chớp thì khuyến cáo bà con tìm nơi trú ẩn an toàn để phòng sét đánh, cây đổ ngã. Ngoài ra, ngành chức năng các địa phương sớm tổ chức kiểm tra và khắc phục những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ ao nhằm đảm bảo an toàn cho diện tích lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái, cũng như vùng mía nguyên liệu và vùng nuôi trồng thủy sản, khu dân cư.

Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên kiểm tra bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở cao và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm dòng dẫn thoát lũ để tổ chức cảnh báo và di dời nhà dân đến nơi ở an toàn. Ngoài ra, tổ chức và chỉ đạo lực lượng xung kích về phòng, chống thiên tai tại cơ sở triển khai các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống thiên tai đến với bà con, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó có hiệu quả khi có sự cố về thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.  

Xin cảm ơn ông !

HỮU PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>