Hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

22/12/2021 | 08:24 GMT+7

Thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản là một trong những hoạt động nhằm mục đích bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản; đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng và giá trị của nguồn lợi thủy sản trong đời sống hàng ngày, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.

Nguồn lợi thủy sản có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên và phát triển kinh tế thủy sản, bảo đảm cho sự cân bằng sinh học trong thủy vực, có giá trị về kinh tế, khoa học, du lịch…, cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng đối với con người. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do việc gia tăng dân số, phát triển kinh tế nhanh chóng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… làm gia tăng áp lực lên nguồn lợi thủy sản; việc sử dụng các ngư cụ có kích thước mắc lưới nhỏ, xung điện, chất độc, để khai thác thủy sản…; kích cỡ thủy sản khai thác ngày càng nhỏ làm nguồn lợi thủy sản đã và đang ở tình trạng bị khai thác quá mức, nhiều loài cá quý hiếm bản địa có nguy cơ bị tuyệt chủng, phá vỡ sự cân bằng sinh thái thủy sinh.

Trước tình hình đó, để phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 19/8/2013 về triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 và được Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản triển khai thực hiện hàng năm với nhiều nội dung phong phú, cụ thể: thực hiện công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như tuyên truyền qua tờ rơi, áp phích, tổ chức hội thi, tổ chức hội nghị…; thực hiện công tác kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản, trong đó công tác thả giống tái tạo nguồn lợi là hoạt động thường xuyên và có tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người tham gia.

Hoạt động thả giống thủy sản vào môi trường tự nhiên đã được người dân thực hiện từ lâu, nhưng chỉ là hoạt động tự phát của cá nhân hoặc một tổ chức nhỏ. Đến năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Vị Thủy và các địa phương chính thức tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi tại chợ Vịnh Chèo, huyện Vị Thủy.

Hoạt động đã thu hút được sự quan tâm, đồng tình và ủng hộ của người dân trên địa bàn tỉnh với hơn 1 tấn giống thủy sản được thả về tuyến sông Nước Đục. Để hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản thật sự ý nghĩa và lan rộng, gắn kết được toàn thể người dân, tháng 3-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kế hoạch phối hợp thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang.

Trên cơ sở đó, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tổ chức tuyên truyền đến các tăng ni, phật tử và Nhân dân trong toàn tỉnh về ý nghĩa của công tác thả giống, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi các loài thủy sản quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và tác hại của các loại thủy sinh ngoại lai xâm hại, các quy định xử phạt trong việc nuôi giữ, buôn bán, vận chuyển, sử dụng sản phẩm của các loài thủy sản quý hiếm... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tăng ni, phật tử và Nhân dân trong tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, để hoạt động thật sự mang lại hiệu quả, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cần hiểu đúng và thực hiện đúng phương pháp thả giống phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản như sau:

1. Mục đích, đối tượng thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Cá lau kiếng

- Mục đích bổ sung, tăng cường nguồn lợi thủy sản trong các thủy vực: chọn các loài thủy sản bản địa, có giá trị kinh tế như cá tra, cá rô đồng, cá lóc, cá mè, cá chép,…

- Mục đích phục hồi lại quần đàn các loài thủy sản đang bị suy giảm trong tự nhiên: chọn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như cá hô, cá ét mọi, cá trà sóc, cá còm,…

 

Tôm hùm nước ngọt

Không thả phóng sinh: Những loài thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại: cá lau kiếng, ốc bươu vàng, tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ,…

 

Cá trê lai

Không nên thả phóng sinh: Giống thủy sản được lai tạo, chọn giống hoặc biến đổi gen với mục đích làm cảnh, thực phẩm vì nguồn gen không còn thuần chủng.

Giống loài thủy sản nhập ngoại có khả năng tạo lập quần đàn ngoài tự nhiên với số lượng lớn, cạnh tranh mạnh mẽ về thức ăn, nơi cư trú và sinh sản của loài bản địa (ví dụ như cá rô phi vằn).

Cá rô phi vằn

2. Số lượng, nguồn gốc và chất lượng giống thủy sản

- Số lượng: tại cùng một thời điểm, trong cùng một thủy vực không nên thả số lượng giống quá lớn. Điều này có thể khiến loài được thả phải sống trong môi trường chật hẹp, thiếu oxy làm giảm sức khỏe và khả năng sống.

- Nguồn gốc loài thủy sản: nên mua giống ở trung tâm giống thủy sản hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản có giấy phép hoạt động để đảm bảo chất lượng.

- Chất lượng loài thủy sản: Không nên phóng sinh các loài thủy sản quá yếu hoặc có dấu hiệu bệnh tật vì khi thả xuống thủy vực, loài thủy sản không những không sống được mà còn lây truyền dịch bệnh cho loài khác và khi chết sẽ gây ô nhiễm môi trường nước. Loài thủy sản được thả nên có hoạt động bình thường, phản xạ nhanh với tiếng động và không có dấu hiệu bị bệnh.

3. Thời gian và địa điểm thả giống

- Thời gian: lúc trời mát sáng 6h - 8h, chiều 16h - 18h.

- Địa điểm

Chọn các thủy vực có điều kiện phù hợp với đặc điểm sinh học của loài được thả.

Chọn các thủy vực rộng lớn, không khép kín như: sông, kênh nối với sông, thủy vực không bị ô nhiễm.

Khuyến khích thả vào các nơi như khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn,...

  Lưu ý: Không nên thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào những khu vực sau:

- Nơi có quy định cấm thả loài thủy sản.

- Thủy vực dùng để nuôi trồng thủy sản.

- Ao, hồ khép kín có mật độ loài thủy sản quá cao.

- Thủy vực bị ô nhiễm.

4. Cách thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Khi phóng sinh các loài thủy sản, thao tác thả cần nhẹ nhàng, từ từ để các loài thủy sản kịp thích ứng với môi trường mới. Không thả các loài thủy sản từ trên cao xuống hoặc tung lên cao rồi thả khiến chúng có thể bị va đập. Đối với một số trường hợp vận chuyển bằng các dụng cụ chuyên biệt, người thực hành phóng sinh nên theo hướng dẫn sau:

Đối với loài thủy sản được vận chuyển kín bằng túi nilon:

- Bước 1: Ngâm túi xuống thủy vực thả từ 5-10 phút để nhiệt độ nước trong túi và thủy vực không chênh lệch.

- Bước 2: Mở túi, nghiêng miệng túi cho nước bên ngoài dần hòa trộn với nước trong túi để các loài thủy sản không bị sốc và từ từ cho chúng thoát ra ngoài thủy vực.

Đối với loài thủy sản được vận chuyển bằng thùng nhựa, sắt, composite:

- Bước 1: Múc nước từ thủy vực định thả cho từ từ vào thùng chứa thủy sản đồng thời xả dần nước ở thùng chứa ra ngoài để cân bằng nhiệt độ giữa nước trong thùng chứa và nước tại thủy vực định thả.

- Bước 2: Dùng xô, chậu có chứa 1/2 đến 1/3 lượng nước để chuyển loài thủy sản từ thùng chứa thả xuống thủy vực. Nếu thùng chứa ngay cạnh thủy vực định thả, có thể dùng vợt để vớt các loài thủy sản từ thùng chứa thả ra ngoài thủy vực.

Bên cạnh việc thả giống phóng sinh đúng phương pháp, người dân cần phải chấp hành các quy định như sau:

- Tuyệt đối không thực hiện nghề cấm, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản như: xung điện, đăng, đáy, te, xiệp, dớn, lờ dây, bát quái,… các ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định.

-  Không thả các loại thủy sinh vật ngoại lai vào vùng nước tự nhiên

- Không xả thải, không vứt rác xuống sông, kênh, rạch.

- Người dân không đánh bắt thủy sản quanh khu vực thả giống trong thời gian 7 ngày kể từ ngày thả cá.

Hoạt động thả phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản mang ý nghĩa tích cực cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Thông qua hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản “vì cuộc sống hôm nay và mai sau”.

Từ năm 2014 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, các địa phương thực hiện 15 đợt thả giống với gần 15 tấn thủy sản được thả về tự nhiên, tổng kinh phí hơn 960 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và vận động xã hội hóa. Các loài thủy sản được chọn để thả về tự nhiên là những loài bản địa, những loài có nguy cơ tuyệt chủng và những loài có giá trị kinh tế như: cá hô, cá trà sóc, cá ét mọi, cá lóc, cá rô đồng, cá trê vàng, cá chép, cá tra, cá thát lát,...

 

CHI CỤC CHĂN NUÔI, THÚ Y - THỦY SẢN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>