Đồng bằng sông Cửu Long: Cấp bách phòng, chống sạt lở

10/06/2021 | 17:42 GMT+7

Các tỉnh ĐBSCL đang vào mùa mưa bão, trong khi tình trạng sạt lở các tuyến đê biển, sạt lở bờ sông diễn ra tràn lan; cộng với thời tiết cực đoan như lốc xoáy, bão lũ, tác động của biến đổi khí hậu... sẽ làm sạt lở gia tăng, kéo theo nỗi lo an toàn về tài sản và tính mạng người dân. Hiện các địa phương trong vùng tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Kè chống sạt lở ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: H.TÂN

Nhiều thiệt hại

Mặc dù mới bước vào đầu mùa mưa bão nhưng tình trạng sạt lở diễn ra nhiều nơi. Tại An Giang vào đầu tháng 6-2021, xảy ra vụ sạt lở đất bờ sông Ông Chưởng đoạn qua tổ 17, ấp Long Định, xã Long Kiến (huyện Chợ Mới) với chiều dài hơn 20m, kéo theo một phần căn nhà của người dân bị sụp, nguy cơ lọt xuống sông. Ngay lập tức, UBND xã Long Kiến đã huy động lực lượng di dời nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn. Ở đoạn sông này, vào giữa tháng 5-2021, thuộc ấp Long Hòa, xã Long Điền B (huyện Chợ Mới) xảy ra vụ sạt lở mặt đường 946, chiều dài khoảng 40m, lấn sâu vào mép nhựa khoảng 4m. Mặc dù không gây thiệt hại về người, nhưng ảnh hưởng lớn đến tình trạng lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân. Sau khi sạt lở xảy ra, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, cùng ngành chức năng đến kiểm tra các điểm sạt lở ở huyện Chợ Mới. Thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho một số gia đình bị ảnh hưởng do sạt lở.

Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở sông Ông Chưởng (huyện Chợ Mới). Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh khoanh vùng khu vực có nguy cơ sạt lở, cắm biển báo phạm vi sạt lở, thiết lập hành lang an toàn. Đồng thời, tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến sạt lở. Tỉnh cũng lưu ý các ngành chức năng tiến hành phân luồng, điều tiết giao thông đường thủy và đường bộ qua khu vực sạt lở hợp lý, an toàn, khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công có đủ năng lực, kinh nghiệm để xử lý cấp bách khu vực sạt lở…

Tại thành phố Cần Thơ cũng liên tiếp xảy ra sạt lở trên địa bàn quận Cái Răng. Cụ thể, vào giữa tháng 5-2021, ở sông Bến Bạ (thuộc khu vực Phú Thuận, phường Tân Phú, quận Cái Răng) bất ngờ xảy ra sạt lở làm 2 căn nhà, cùng 3 phòng trọ bị trôi xuống sông, thiệt hại 350 triệu đồng. Người dân kể lại, vào giữa khuya bỗng nghe tiếng động bởi vách tường bị nứt và lo lắng việc chẳng lành nên mọi người truy hô chạy ra ngoài. Ngay sau đó thì phía sau ngôi nhà bị sụp xuống sông Bến Bạ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) quận Cái Răng, khi vụ sạt lở xảy ra thì ngành chức năng của quận và chính quyền địa phương xuống hiện trường kiểm tra, giúp dân di dời tài sản và hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng 5 triệu đồng. Đối với hoàn cảnh khó khăn của hộ Nguyễn Thị Tô Châu thì yêu cầu địa phương hỗ trợ xây lại căn nhà. Cũng vào giữa tháng 5-2021, ở sông Ba Láng (phường Ba Láng, quận Cái Răng) đã xảy ra sạt lở khiến căn nhà ông Đặng Văn Hạnh bị chìm một phần, ước thiệt hại hơn 20 triệu đồng…

Tại địa bàn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay cũng xảy ra 22 điểm sạt lở bờ sông chủ yếu là ở huyện Châu Thành (20 điểm) và thành phố Ngã Bảy (2 điểm); tổng thiệt hại hơn 1,5 tỉ đồng. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, do tình hình hạn hán kéo dài trong mùa khô, mưa lớn vào thời điểm chuyển mùa và tốc độ dòng chảy trên sông tăng nhanh nên tình hình sạt lở bờ sông xảy ra nghiêm trọng. Các địa phương trong tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở cao và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm dòng dẫn thoát lũ để tổ chức cảnh báo và di dời nhà dân đến nơi ở an toàn.

Tình hình sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long rất phức tạp. Ảnh: H.THU

Tích cực ứng phó

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đồng Tháp cho hay, tình hình sạt lở trên địa bàn ngày càng nghiêm trọng và diễn ra thường xuyên. Thống kê cho thấy, diện tích đất xói lở trong giai đoạn 2005-2020 thuộc bờ sông Tiền qua tỉnh Đồng Tháp làm mất tổng cộng 331,75ha đất, di dời 8.324 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở nguy hiểm. Qua kết quả kiểm tra thực tế, tính đến hết quý IV/2020, toàn tỉnh Đồng Tháp tổng chiều dài vành đai sạt lở là 146.790m, tổng số 6.334 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Ước thiệt hại giai đoạn từ 2005-2019 là 412,5 tỉ đồng...

Thời gian qua, Đồng Tháp nỗ lực thực hiện nhiều phương án ứng phó sạt lở như điều chỉnh sản xuất nông nghiệp hợp lý; cảnh báo và di dời cư dân ra khỏi vùng nguy hiểm; thực hiện kè kiên cố ở những khu vực quan trọng, đông dân cư; khuyến cáo người dân cùng phòng, chống sạt lở bằng các giải pháp phi công trình... Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, trong năm 2021 triển khai thi công kè lát mái đê biển Gò Công chiều dài 2.920m, công trình đã hoàn thành hơn 90%. Tiến hành xử lý xói lở bờ biển và vừa nghiệm thu đưa vào sử dụng hơn 2.800m, kinh phí hơn 73 tỉ đồng. Hiện Sở NN&PTNT tỉnh đang triển khai xử lý xói lở bờ biển Gò Công Đông (đoạn qua xã Tân Thành) chiều dài khoảng 2.270m, tổng mức đầu tư 45 tỉ đồng…

UBND tỉnh Kiên Giang cũng đang chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương khắc phục các sự cố đê điều đã xảy ra trong những mùa mưa bão trước. Tập trung nguồn lực để sẵn sàng xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trong mùa mưa bão năm 2021; tiến hành tu bổ thêm đối với các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các tình huống sạt lở đê biển có thể xảy ra. Mục tiêu quan trọng là bảo vệ an toàn cho sản xuất, sinh hoạt và tính mạng người dân, nhất là ở các khu vực ven biển trong mùa mưa bão…

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau lưu ý, bờ Biển Đông của tỉnh có chiều dài xói lở nguy hiểm khoảng 48.000m, trong đó sạt lở rất nguy hiểm khoảng 29.500m tập trung tại xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn); xã Đất Mũi, thị trấn Rạch Gốc và xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển). Đối với bờ Biển Tây, sạt lở hầu như rất nguy hiểm với chiều dài 57.000m, trong đó có nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, hoặc đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét. Hiện nay, tình hình sạt lở bờ Biển Tây ngày càng nguy cấp hơn, những dãy rừng phòng hộ ven biển dần biến mất nên đê Biển Tây thường xuyên bị sóng to, gió lớn uy hiếp, nguy cơ vỡ đê rất cao; nhất là vào mùa mưa bão, gió Tây Nam hoạt động mạnh cộng với triều cường dâng cao. Điển hình như mùa mưa bão năm 2020, chỉ trong vòng 1 tháng đã xảy ra liên tiếp 5-6 cơn bão, do “bão chồng bão, mưa chồng mưa” đã gây sạt lở trầm trọng gần 10km bờ Biển Tây, trực tiếp ảnh hưởng đến 26.160 hộ dân sinh sống ven biển và 128.900ha đất sản xuất nông nghiệp.

Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau quyết liệt triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Theo đó, về giải pháp công trình từ năm 2002 đến nay Cà Mau áp dụng xử lý tạm thời như cừ bằng vật liệu địa phương kết hợp đá hộc, rọ đá, cừ bản nhựa, bê tông tự chèn… đến các giải pháp xử lý căn cơ hơn như kè 2 hàng cọc dự ứng lực tạo bãi, được đúc kết kinh nghiệm từ những giải pháp trước đây. Hiện nay tỉnh đã thực hiện các giải pháp này với tổng chiều dài trên 53.000m ở cả bờ Biển Tây và bờ Biển Đông, tổng kinh phí trên 1.700 tỉ đồng. Kết quả đến những nơi được xử lý đảm bảo ổn định, không bị vỡ đê mặc dù luôn bị uy hiếp bởi sóng to, gió lớn. Qua thời gian theo dõi, đánh giá cho thấy, giải pháp công trình kè 2 hàng cọc dự ứng lực tạo bãi đã và đang phát huy hiệu quả trong việc khắc phục sạt lở, khôi phục rừng phòng hộ ven biển.

Trong năm 2020, Cà Mau đã trồng mới 500ha rừng; trồng rừng sau khai thác trên 3.000ha; trồng cây phân tán được 3 triệu cây. Ngoài ra, hơn 49.000ha rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển được bảo vệ tốt; khoanh nuôi tái sinh rừng được 300ha rừng, chăm sóc tốt cho hơn 10.000ha rừng trồng… nâng diện tích có rừng tập trung đạt khoảng 96.500ha. Việc trồng rừng phòng hộ là giải pháp rất quan trọng nhằm bảo vệ đê biển, chống sạt lở hiệu quả.

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh có 4 địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở nghiêm trọng như huyện Châu Thành, Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao để cắm biển cảnh báo sạt lở cho người dân biết tránh xa vùng sạt lở nguy hiểm. Những nơi có vật kiến trúc, nhà cửa thì vận động người dân di dời đến nơi an toàn tránh thiệt hại về người và tài sản.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm qua bão đổ bộ dồn dập, sóng biển dữ dội trong các cơn bão kết hợp triều cường, mưa lũ lớn trong khi hệ thống đê, kè ven biển chưa đủ khả năng chống chịu, nhiều tuyến chưa được đầu tư xây dựng nên đã gây sạt lở nghiêm trọng, đã có 88 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 141km. Ngoài ra, hàng trăm km đê, kè cửa sông cũng bị sạt lở, hư hỏng.

 

H.TÂN - H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>