Cần khắc phục nhanh các điểm sạt lở đất

26/05/2021 | 19:32 GMT+7

/uploads/Video/News/2021/05/26/194103Tp - Sl-1.mp4

 

Tình trạng sạt lở đất diễn biến phức tạp ở huyện đầu nguồn Châu Thành làm đứt đoạn nhiều tuyến đường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Đã xảy ra 13 điểm sạt lở đất ở huyện Châu Thành, tăng 5 điểm so với cùng kỳ.

Thời gian gần đây, tình hình sạt lở trên địa bàn huyện Châu Thành xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn, tăng cả về số điểm sạt lở và quy mô. Sạt lở thường xảy ra ở 27 tuyến kênh có nguy cơ cao như Mái Dầm, Cái Côn, Cái Dầu, Xẻo Muồng, Thạnh Đông…, nhất là tại các đoạn cong, ngã ba, ngã tư, doi vịnh, lòng kênh sâu mái đứng.

Đoạn sạt lở phía trước nhà chị Nguyễn Thị Linh, ở ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, xảy ra gần 1 tháng trước, tổng chiều dài khoảng 25m. Hậu quả làm đứt quãng một đoạn lộ giao thông nông thôn, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Chị Linh kể lại: “Phần đất bên ngoài bị lún từ từ, rồi nó sụp dần vào sát hàng rào. Mong mỏi của bà con nơi đây là chính quyền địa phương sớm khắc phục, nối liền đoạn lộ để việc đi lại đỡ phần vất vả hơn. Mặt đường là mặt đê, chỉ sợ tới mùa lũ, hoặc những tháng đỉnh triều dâng cao, nước sẽ tràn vào nhà”.

Anh Phan Hoàng Tuấn, người dân ở ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, cho biết: “Tuyến đường này xe chạy nhiều, nhưng từ khi sạt lở thì việc đi lại của bà con khó khăn hơn. Mấy nhà đầu lộ sân chật ních xe gửi. Có người còn bỏ cả chiếc xe ven đường, rồi khóa cổ lại, lội bộ về nhà. Mất tài sản như chơi”.

Theo UBND thị trấn Mái Dầm, hiện tại vẫn chưa khắc phục được điểm sạt lở này bởi nền đất chưa ổn định, chưa thể tác động cơ giới vào. Để giải quyết vấn đề giao thông, địa phương đã làm việc với các hộ dân và mở đường đi tạm cho bà con, tránh khu vực sạt lở.

Như vậy, từ đầu năm đến nay huyện Châu Thành xảy ra 13 điểm sạt lở, nhiều hơn 5 điểm so với cùng kỳ. Tổng chiều dài 268m, diện tích mất đất 1.425m2, ước tổng thiệt hại 849 triệu đồng. Tính đến đầu tháng 5, địa phương đã khắc phục xong 6 điểm, trong đó vận động người dân khắc phục 5 điểm, các điểm còn lại đang triển khai thi công và xin chủ trương đầu tư khắc phục.

Trước mắt, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành tập trung nguồn lực khắc phục các điểm sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến lộ và đê bao nhằm đảm bảo phục vụ đi lại và ngăn lũ, về lâu dài cần thực hiện các giải pháp di dời đê bao vào trong. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động đề phòng sạt lở, nhất là những hộ sống trong vùng có nguy cơ cao. Vận động người dân thực hiện mô hình kè sinh thái và gia cố bờ kênh bằng những vật liệu sẵn có tại địa phương. Áp dụng các giải pháp di dời đê bao vào trong, sử dụng biện pháp công trình có hiệu quả nhằm hạn chế lấy đất lòng kênh để nâng cấp đê bao và lộ giao thông nông thôn. Các cấp chính quyền đẩy mạnh biện pháp nghiệp vụ nhằm không để phát sinh xây dựng nhà ở ven sông.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do tình hình hạn hán kéo dài trong mùa khô, mưa lớn vào thời điểm chuyển mùa và tốc độ dòng chảy trên sông tăng nhanh nên tình hình sạt lở bờ sông xảy ra nghiêm trọng. Các địa phương thường xuyên kiểm tra bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở cao và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm dòng dẫn thoát lũ để tổ chức cảnh báo và di dời nhà dân đến nơi ở an toàn. Ngoài ra, tổ chức và chỉ đạo lực lượng xung kích tại cơ sở triển khai các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống thiên tai đến với bà con, sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó có hiệu quả khi có sự cố xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến nay toàn tỉnh xảy ra 14 điểm sạt lở đất bờ sông. Chủ yếu ven các tuyến kênh lớn của huyện Châu Thành là Mái Dầm, Cái Côn, Cái Dầu, Xẻo Chồi… Diện tích mất đất 1.758m2; ước thiệt hại trên 870 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>