Hiệu quả giám sát, phản biện xã hội

10/08/2022 | 09:05 GMT+7

Giám sát và phản biện xã hội được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, do đó Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác này thời gian qua.

Hội nghị phản biện dự thảo Kế hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch huyện Vị Thủy.

Trước khi Kế hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch huyện Vị Thủy giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo được ban hành thì Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vị Thủy đã tổ chức phản biện đối với dự thảo kế hoạch này. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, khẳng định, đây là kế hoạch có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm tới, do đó Mặt trận huyện tổ chức phản biện nhằm đóng góp các ý kiến, kiến nghị giúp đơn vị soạn thảo xây dựng kế hoạch sát hợp hơn với tình hình thực tế.

Để cuộc phản biện đạt chất lượng, hiệu quả, Mặt trận huyện đã gửi tài liệu từ sớm để đại biểu chủ động nghiên cứu và đưa ra những ý kiến góp ý xác đáng, tâm huyết phù hợp với tình hình thực hiện của huyện. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ dự thảo kế hoạch, đại biểu tham dự hội nghị phản biện đã đóng góp 6 ý kiến phát biểu trực tiếp và 4 ý kiến bằng văn bản nhằm hiến kế các biện pháp, định hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch của huyện trong những năm tới. Các ý kiến góp ý đã được đơn vị soạn thảo ghi nhận, tiếp thu và bổ sung vào dự thảo kế hoạch.

Ngoài nội dung trên, từ đầu nhiệm kỳ 2019-2024 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vị Thủy còn tổ chức phản biện dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2021-2025 của UBND huyện và dự thảo Kế hoạch bảo vệ môi trường huyện Vị Thủy giai đoạn 5 năm 2021-2025. Trong công tác giám sát, Mặt trận các cấp trong huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội đã hiệp thương xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát 77 nội dung.

Cùng thời gian trên, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố Vị Thanh chủ trì thực hiện giám sát được 38 cuộc, tổng hợp nhiều kiến nghị sau giám sát gửi đến các cơ quan, tổ chức có liên quan. Về phản biện xã hội, các đơn vị thực hiện được 16 cuộc, tiếp thu 360 ý kiến đóng góp.

Ông Phan Hoàng Liệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vị Thanh, cho biết, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tích cực giám sát, phản biện xã hội đối với dự thảo các đề án phát triển kinh tế - xã hội địa phương, dự thảo về chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đảng cùng cấp, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các dự án, đề án liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân do các cơ quan, tổ chức thẩm quyền cùng cấp yêu cầu.

Đáng chú ý là Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố còn phối hợp tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, thực trạng và giải pháp”. Buổi tọa đàm đã chỉ ra một số hạn chế còn gặp phải trong công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua như: các ngành liên quan chưa chủ động đăng ký nội dung giám sát hàng năm; việc đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát còn khó khăn; tổ chức phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chủ yếu là góp ý văn bản, chưa tổ chức nhiều hội nghị phản biện; điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động giám sát, phản biện ở một số đơn vị còn khó… Qua đó giúp các cơ quan, đơn vị học hỏi, đúc kết được nhiều kinh nghiệm, nhất là những giải pháp có thể áp dụng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới.

Thống kê từ đầu nhiệm kỳ 2019-2024 đến nay, Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ trì phối hợp triển khai 1.135 cuộc giám sát, trong đó Mặt trận tỉnh chủ trì giám sát 19 cuộc, Mặt trận cấp huyện giám sát 42 cuộc, Mặt trận cấp xã giám sát 432 cuộc. Mặt trận các cấp còn tổ chức được 175 cuộc phản biện xã hội, trong đó, Mặt trận tỉnh phản biện được 11 cuộc, Mặt trận cấp huyện được 43 cuộc, Mặt trận cấp xã được 121 cuộc.

Kết quả thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của cấp ủy, chính quyền địa phương, của các tổ chức. Từ đó, kiến nghị những nội dung nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỆU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>