Quản lý và sử dụng nhãn hiệu khóm Cầu Đúc: Khó trăm bề

16/07/2018 | 08:28 GMT+7

Mặc dù đã được bảo hộ nhãn hiệu 4 năm qua, nhưng cho tới nay khóm Cầu Đúc Hậu Giang chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có. Từ đó, dẫn đến hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh thấp, việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân gặp khó khăn.

Sử dụng, quản lý tốt nhãn hiệu, khóm Cầu Đúc Hậu Giang sẽ trở thành độc quyền và không bị đặt “ngang bằng giá” với các loại khóm khác.

Còn lúng túng

Năm 2014, nhãn hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền. Nhãn hiệu này được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chuyển giao giấy chứng nhận đăng ký cho Hội Nông dân thành phố Vị Thanh quản lý và bước đầu có 50 hộ trồng khóm trên địa bàn đăng ký sử dụng. Trong đó, xã Vị Tân có 15 hộ, phường VII có 8 hộ, xã Tân Tiến có 27 hộ. Tuy nhiên, sau thời gian gần 4 năm, qua khảo sát thực tế, chỉ còn 8 hộ có nhu cầu sử dụng.

Qua 4 năm, Hội Nông dân thành phố chỉ sử dụng được 900 nhãn dán lên trái khóm tại các cuộc hội nghị, triển lãm nông nghiệp. Theo bà Trần Thị Việt Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Vị Thanh, thời gian qua sở dĩ việc phát triển và sử dụng nhãn hiệu chưa nhiều là do Hội chưa phối hợp thường xuyên với địa phương và các ngành liên quan, chưa có kiến nghị đề xuất với lãnh đạo thành phố trong việc phát triển nhãn hiệu. Song song đó, ý thức người dân chưa cao, chưa quan trọng trong việc sử dụng nhãn hiệu.

Cũng đắn đo về vấn đề này, tại HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, cũng chưa mạnh dạn sử dụng nhãn hiệu này để dán vào nông sản. Theo ông Vu Suổi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng thì việc quản lý và đưa về cho thành viên sử dụng rất bất cập, khó quản lý. Hơn nữa, để dán nhãn phải đảm bảo đủ chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc và phải tốn 100 đồng/nhãn, trong khi đó trái khóm đang trong tình trạng tuột giá chỉ còn khoảng 3.000 đồng/trái loại 1 thì sẽ làm đội thêm chi phí cho người trồng khóm.

Hơn hết, khi đến với Hậu Giang, những doanh nghiệp cần số lượng lớn yêu cầu quá khắt khe là sản phẩm phải có chỉ dẫn địa lý, có nhãn VietGAP nên người dân chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn VietGAP mà HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng sử dụng đến nay đã hết hạn sử dụng. Về phần HTX thì chưa có chi phí để tái công nhận, vì vậy không mạnh dạn để dán nhãn, chưa được bảo đảm công nhận tiêu chuẩn mặc dù HTX vẫn sản xuất khóm theo phương pháp canh tác thực hành nông nghiệp sạch, đảm bảo thời gian cách ly bón phân trước khi thu hoạch. Ông Lâm Trường Thọ, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, chia sẻ: “Để tái công nhận lại cho tiêu chuẩn VietGAP thì chi phí HTX phải bỏ ra hơn 30 triệu đồng. Bấy nhiêu tiền không là vấn đề gì so với hơn 60 thành viên của HTX. Nhưng nguyên nhân chính là các doanh nghiệp thu mua còn đòi hỏi chỉ dẫn địa lý, mà phần này thì thành viên cũng như HTX chưa làm được”.

Cần tạo sự khác biệt

Bước đầu, để vực dậy và phát triển sản phẩm chủ lực khóm Cầu Đúc, UBND thành phố Vị Thanh đã chỉ đạo các địa phương phải tăng cường phối hợp với Hội Nông dân hướng dẫn, vận động người trồng khóm đăng ký tham gia sử dụng nhãn hiệu. Qua khảo sát của Hội Nông dân thành phố đã có 585 hộ đăng ký sử dụng với hơn 1.427ha, đạt 100% diện tích khóm hiện có của thành phố.

Ông Võ Tứ Phương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến, cho biết: Địa phương đã có bước khảo sát hộ sử dụng nhãn hiệu, tuyên truyền người trồng khóm mua bán khóm phải đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, trong định hướng tới đây, xã sẽ kêu gọi doanh nghiệp đặt cửa hàng trưng bày tại khu buôn bán đối diện trụ sở UBND xã. Qua đây, khi khách đến tham quan mua sắm sẽ từng bước giới thiệu, quảng bá nhãn hiệu, tạo dựng bộ mặt, phát triển thương hiệu cho khóm Cầu Đúc Hậu Giang. Đây sẽ là điểm cung cấp khóm Cầu Đúc Hậu Giang chính hiệu quanh năm, thường xuyên của địa phương.

Nắm được khó khăn của người dân trồng khóm và tạo điều kiện về mặt pháp lý cần thiết về chỗ đứng vững trên thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017-2020”. Trong đó, có Dự án xây dựng, quản lý chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang” dùng cho trái khóm tươi và các sản phẩm làm từ khóm nhằm bảo đảm nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường. Mục tiêu dự án sẽ xây dựng cơ sở khoa học và xác lập quyền chỉ dẫn địa lý “Hậu Giang”; quản lý chỉ dẫn địa lý “Hậu Giang” cho trái khóm tươi và các sản phẩm làm từ khóm của tỉnh Hậu Giang.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh Trần Hoa Phượng cho biết: Thành phố đã chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ các hộ sử dụng nhãn hiệu. Đặc biệt là Phòng Kinh tế phối hợp với Hội Nông dân thường xuyên kiểm tra những điểm bán lẻ sử dụng nhãn hiệu, tránh gây ảnh hưởng danh tiếng của khóm Cầu Đúc Hậu Giang. Bên cạnh đó, UBND xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Vị Tân và phường VII phối hợp với các ngành, xây dựng kế hoạch cụ thể quy trình sử dụng nhãn hiệu, thường xuyên báo cáo Thường trực UBND về những khó khăn để có hướng hỗ trợ. Bên cạnh đó, vận động HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng đăng ký tái công nhận tiêu chuẩn VietGAP và tiên phong làm trước, dán nhãn, sản xuất ra trái khóm ngon, chất lượng, làm bao bì, mẫu mã đẹp, bắt mắt để tạo sự khác biệt giữa trái khóm có nhãn dán và không nhãn dán, nhằm thu hút người tiêu dùng. Sau đó, thông qua cầu nối là UBND thành phố tiến hành đưa khóm Cầu Đúc có nhãn hiệu chứng nhận vào siêu thị, từng bước ổn định giá cả, tăng thu nhập cho thành viên.

Khóm Cầu Đúc Hậu Giang có phẩm chất ngon ngọt vượt trội hơn so với những nơi khác, một phần là do được trồng và phát triển trên vùng đất đặc thù phèn, mặn và dưới sự cần cù của nông dân. Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực xây dựng nhãn hiệu, đây là cơ hội để khóm Cầu Đúc Hậu Giang có đủ điều kiện để từng bước vươn xa, hội nhập thị trường quốc tế. Hy vọng, với những giải pháp trên, trong thời gian tới, việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu nông sản sẽ được đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế, phát huy giá trị hàng hóa và tăng thu nhập cho người nông dân. Từ đó, trái khóm Cầu Đúc Hậu Giang sẽ trở thành độc quyền và không bị đặt “ngang bằng giá” với các loại khóm khác.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>