ĐBSCL nhìn từ Báo cáo kinh tế thường niên 2022

11/08/2022 | 06:20 GMT+7

Bài 4: Yếu tố để đất Chín Rồng “cất cánh”

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp” vừa được công bố đã chỉ ra rằng ĐBSCL cần nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững, trong đó phải vượt qua thử thách của ba vòng xoáy là: Ngân sách, lao động và cơ cấu kinh tế. Vậy, ĐBSCL cần làm gì để vượt ra khỏi vòng xoáy, bứt phá đi lên? Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (ảnh), Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Ban biên tập Báo cáo kinh tế thường niên 2020 và 2022 để tìm câu trả lời.

Thưa ông, Quy hoạch vùng ĐBSCL và Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm nay giúp ích như thế nào cho các tỉnh, thành trong việc xây dựng quy hoạch ?

- Tôi nghĩ các địa phương nên tự xây dựng cho mình một quy hoạch có tầm nhìn dài hạn. Hiện nay, chúng ta thường bị chi phối bởi nhiệm kỳ, mà nền kinh tế của cả nước ta nói chung, ĐBSCL nói riêng, cũng như mỗi tỉnh, thành thì ranh giới hành chính, ranh giới kinh tế thường bị chồng chéo với nhau. Vì vậy, chúng ta có quy hoạch vùng để phá vỡ những ranh giới đấy. Khi phá vỡ được ranh giới về không gian, kéo dài được thời gian sẽ có cái nhìn đầy đủ và có chiều sâu hơn về phát triển.

ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ hạ tầng logistics.

Thứ hai, các vùng sinh thái được chia ra làm 3 vùng lớn, sau đó tới 14 vùng nhỏ hơn và 36 tiểu vùng. Các tiểu vùng, các vùng này sẽ có mức độ chuyên môn hóa về ngành nghề. Ví dụ trong lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp hay lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ và phân phối về đất đai... Khi các tỉnh, thành nhìn vào quy hoạch có thể thấy mình ở đâu trong bức tranh chung, từ đó có cách làm thích hợp hơn.

Cái thứ ba, tôi nghĩ rất quan trọng là phải có sự hiện diện, có tiếng nói, bóng dáng của doanh nghiệp, người dân. Vì quy hoạch thông thường được coi là công cụ của nhà nước trong việc quản lý và phát triển kinh tế, nếu người dân và doanh nghiệp không thấy mình được lợi ích gì thì họ sẽ không đồng hành với quy hoạch. Như vậy, ngay từ xuất phát điểm, quy hoạch đã khó thành công.

Có 3 yếu tố rất quan trọng như vậy, tôi muốn chia sẻ để làm cho quy hoạch, các địa phương vừa có định hướng dài hạn vừa phù hợp với lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Những bất cập trong việc phát triển của vùng ĐBSCL hiện nay là gì, thưa ông ?

- Có những bất cập khách quan và chủ quan. Bất cập khách quan nằm ở chỗ quy hoạch vùng thực hiện trong quá trình khó khăn vì đại dịch. Năm 2019, 2020, 2021 là những thời gian rất khó khăn để đi khảo sát, tiếp cận các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương. Mặc dù về quy trình, nhóm tư vấn vẫn phải làm nhưng thực tế rất khó khăn. Các chuyên gia nước ngoài sang cũng khó. Đó là khó khăn khách quan thứ nhất.

Khó khăn khách quan thứ hai đó là quy hoạch vùng được thực hiện trong bối cảnh chưa có quy hoạch quốc gia. Vì vậy, rất nhiều định hướng chung của quốc gia chưa được rõ nét, quy hoạch vùng cứ phải “cầm đèn đi trước ô tô”.

Tôi nghĩ vấn đề lớn của quy hoạch vùng là phải đi đôi với nguồn lực: con người, tài chính, đầu tư, tổ chức và thể chế như thế nào để thực hiện quy hoạch.

Tôi ví dụ trong quy hoạch về trung tâm đầu mối về nông nghiệp. Chúng ta đang có 8 trung tâm đầu mối (1 trung tâm tổng hợp, 7 trung tâm về ngành: lúa gạo, trái cây, hải sản...). Thế nhưng, cơ cấu các trung tâm này đã hợp lý chưa? Các địa phương thấy được việc bố trí các trung tâm có phù hợp chưa hay có sự cạnh tranh, thậm chí là mâu thuẫn lợi ích giữa các địa phương? Rất khó có thể nhìn thấy ngay lập tức từ quá trình làm quy hoạch. Đây là khó khăn có tính chủ quan.

Khó khăn chủ quan khác là khi thực hiện, biên soạn quy hoạch phải lồng ghép rất nhiều các quy hoạch khác nhau, như quy hoạch: đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, năng lượng... Việc lồng ghép này rất khó khăn vì nó tích hợp. Lần đầu tiên chúng ta làm nữa nên lại càng khó khăn. Tôi nghĩ chắc chắn phải có những điều chỉnh và những va vấp trong thực tiễn.

Tuy nhiên, điều tích cực nằm ở chỗ, với cách tiếp cận quy hoạch tích hợp thì chúng ta có một bức tranh tổng thể, có tính logic nội tại, nhất quán. Các chính sách nếu thực hiện đúng thì không chống, không trái, không mâu thuẫn với nhau. Khi triển khai thực tiễn, tôi nghĩ thời điểm này quá sớm để có thể nói cách thức và cái triển khai khó khăn gì hay sẽ đạt được kết quả mong muốn hay không.

Theo ông, quy hoạch vùng ĐBSCL đã tháo gỡ được những rào cản nào, kìm hãm sự phát triển của vùng ?

- Điểm tích cực đầu tiên về quy hoạch vùng đối với ĐBSCL đó là ưu tiên về phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông.

Như chúng tôi có phân tích trong Báo cáo kinh tế thường niên năm 2020 cũng như báo cáo năm nay, cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém là một trong những nút thắt cơ bản của kinh tế đồng bằng. Rất may là trong quy hoạch tích hợp đã dành một ưu tiên rất lớn cho cơ sở hạ tầng giao thông.

Vấn đề thứ hai, các trung tâm logistics cũng được khá nhiều ưu tiên, đặc biệt là việc hình thành các trung tâm đầu mối. Trong đó, gắn kết các trung tâm liên quan tới logistics với dịch vụ, như: tài chính, khoa học, cơ sở hạ tầng, kết hợp với các vành đai và hành lang về đô thị, khu công nghiệp và vùng chuyên canh. Cái khó là phải phân bổ lại về quy hoạch sử dụng đất.

Nhìn vào quy hoạch sử dụng đất, tôi không thấy có nhiều dư địa để thực hiện những điều trên vì thay đổi về mục đích sử dụng đất cũng như bố trí không gian các vùng nguyên liệu tập trung rất khó. Ruộng đất chúng ta, 50% nông dân chỉ có dưới 0,5ha, rất khó để có một vùng chuyên canh.

Kết hợp việc phát triển trung tâm đầu mối gắn liền với các khu đô thị không dễ vì từ trước giờ chúng ta đều thấy khu công nghiệp thường tách ra khỏi khu đô thị, bây giờ lại gắn chặt vào.

Thứ ba, phát triển dọc theo các hành lang về cao tốc đòi hỏi không chỉ là tầm nhìn về tích hợp mà triển khai trên thực tiễn phải rất thấu triệt (hiểu thấu đáo) về mặt khái niệm mới thực hiện được.

Ngoài hạ tầng giao thông thì nguồn lực cũng là thách thức của ĐBSCL. Giải pháp để tháo gỡ khó khăn này là gì, thưa ông ?

- Khi nói về nguồn lực ĐBSCL thì nên nói một cách tổng hợp. Người ta hay nói về nguồn lực đầu tư. Tỷ lệ đầu tư cả công lẫn tư của vùng tương đối thấp so với quy mô kinh tế cũng như quy mô dân số và diện tích của đồng bằng nên trong báo cáo chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh: ĐBSCL thiếu đầu tư một cách nghiêm trọng. Đó là lý do cơ sở hạ tầng hay các tiện ích khác của đồng bằng thì thua kém các vùng khác.

Nguồn lực thứ hai rất quan trọng đó là con người. Nguồn lực cho ĐBSCL là lớn nhất từ trước đến nay nếu cân đối so với các tỷ lệ đóng góp của đồng bằng cho nền kinh tế Việt Nam thì vẫn chưa tương xứng. Người dân ĐBSCL, đặc biệt là lao động trẻ, những người có kỹ năng và khả năng phát triển vẫn tiếp tục đi tìm cơ hội ở các nơi khác làm cho đồng bằng thiếu nhân công có chất lượng cao.

Có 2 nguồn lực nữa rất quan trọng, tôi nghĩ ít khi được đề cập trong chính sách, đó là thể chế và tổ chức. Chẳng hạn như: cơ chế điều phối ở các vùng hay thể chế về chuỗi cung ứng, thị trường giao dịch hàng hóa tập trung... Chúng ta nhiều khi chỉ nói chuyện tiền và người nhưng quên mất nguồn lực thể chế đóng vai trò hết sức quan trọng.

Nguồn lực tổ chức. Tổ chức là doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, các đơn vị sản xuất kinh doanh. Liệu chúng ta có thể tạo ra được những tổ chức để triển khai các chiến lược, triển khai các quy hoạch, các chính sách một cách nhịp nhàng, đồng bộ mang lại hiệu quả hay không?

Khi có thể chế tốt, tổ chức tốt thì nguồn lực sẽ chạy theo những nơi có môi trường kinh doanh thuận lợi, những nơi có điều kiện, sự đồng hành của chính quyền địa phương và của các tổ chức thực hiện. Khi đầu tư về thì người lao động cũng lại sẽ về theo.

Giải quyết bài toán ở đồng bằng không chỉ là vấn đề nguồn lực hay lao động mà căn cơ không kém là tạo ra một thể chế tốt cho vùng, tạo môi trường kinh doanh tốt, phù hợp thì nhà đầu tư và doanh nghiệp, người lao động sẽ về. Lúc đấy, chúng ta sẽ có một ĐBSCL sôi động hơn với nhiều cơ hội công ăn việc làm, mức sống cao hơn và các điều kiện khác. Hay nói khác là một nơi đáng sống, đất lành chim đậu, người dân lại quay về, doanh nghiệp lại quay về.

Xin cảm ơn ông !

NGUYÊN TOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>