ĐBSCL nhìn từ Báo cáo kinh tế thường niên 2022

09/08/2022 | 20:15 GMT+7

Bài 3: Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp

Những chính sách phát triển mới sẽ giúp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thu hút nguồn lực đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng hơn nữa trong tương lai.

Cảng VIMC Hậu Giang có khả năng đón tàu trọng tải lớn.

Động lực tăng trưởng

Phát biểu tại hội thảo “Chính sách Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp”, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá: ĐBSCL đang trong giai đoạn chuyển mình để bước sang thời kỳ mới trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, kinh tế suy thoái và đặc biệt là sự tác động của biến đổi khí hậu. Các địa phương và doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi kinh tế, tìm kiếm nguồn lực cho phát triển…

Cũng theo ông Võ Tân Thành, để các Nghị quyết quan trọng được triển khai, bản Quy hoạch tích hợp ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được nhanh chóng thực thi, đòi hỏi các địa phương trong vùng cần định hình lại mô hình phát triển.

Các chính sách đi kèm cần được xây dựng một cách đầy đủ, mang tính thực tiễn để nắm bắt cơ hội phát triển mới. Để có những chính sách hiệu quả, các địa phương cần tìm hiểu những khó khăn thực tại của doanh nghiệp và những sáng kiến từ cộng đồng, từ đó cùng nhau hợp tác, cùng nhau tư duy để tìm mô hình phát triển mới… Bên cạnh đó, những kinh nghiệm quốc tế và các nguồn lực từ bên ngoài rất cần được tận dụng để các địa phương khai thác tối đa những tiềm năng, thích ứng với thách thức và tiếp cận cơ hội đang đến.

Với vai trò chủ trì xây dựng báo cáo kinh tế vùng ĐBSCL, TS.Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, cho biết: “4 trụ cột trong mô hình phát triển ĐBSCL là kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường. Trong đó, với lĩnh vực kinh tế, cần tập trung khắc phục các điểm nghẽn cơ bản như cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, liên kết sản xuất, kết nối với thị trường cao cấp hơn, kết nối số, chuyển đổi số...

TS.Vũ Thành Tự Anh đưa ra một số quan điểm chính về mô hình phát triển phù hợp cho ĐBSCL gồm: Hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường; từng bước chuyển đổi thứ bậc ưu tiên dựa trên lợi thế so sánh; từ lúa gạo - thủy sản - trái cây sang thủy sản - trái cây - lúa gạo cho vùng; chú trọng chất lượng và giá trị hơn số lượng; nước mặn, nước lợ chứ không chỉ nước ngọt đều là tài nguyên quý báu; tháo gỡ các nút thắt phát triển…

Tiền đề cho giai đoạn phát triển mới

Có thể thấy, để các Nghị quyết quan trọng được triển khai và bản Quy hoạch tích hợp nhanh chóng được thực thi đòi hỏi các địa phương trong vùng ĐBSCL cần định hình lại mô hình phát triển và các chính sách đi kèm. Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nêu quan điểm: Báo cáo có nhiều số liệu từ trước đến nay các tỉnh ở ĐBSCL chưa tiếp cận được. Ông đánh giá cao về số liệu này khi đã đi vào thực tiễn đời sống, phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo quy hoạch của các tỉnh trong vùng, đây là điều kiện tốt nhất để Bạc Liêu xây dựng quy hoạch gắn liền với quy hoạch vùng, phấn đấu liên kết vùng chặt chẽ và hiệu quả hơn.

“Quy hoạch vùng ĐBSCL vừa được công bố cho thấy những định hướng phát triển về hạ tầng giao thông là rất quan trọng. Logistics ở ĐBSCL chưa có nhiều, do ách tắc về hạ tầng giao thông. Chúng tôi hy vọng với các dự án giao thông lớn đã và sẽ được triển khai sẽ phát triển mạnh mẽ về xuất nhập khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân và vùng ĐBSCL”, ông Phạm Văn Thiều bày tỏ.

Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL là tiền đề, cơ sở quan trọng để quy hoạch lại quá trình sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Theo các chuyên gia, các bộ, ngành và chính quyền địa phương ĐBSCL cần có các bước đi cụ thể phối hợp chặt chẽ để hiện thực hóa quy hoạch này.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc quy hoạch lại là vấn đề rất lớn bởi vì thực hiện quy hoạch này tiếp cận theo vùng chứ không phải theo từng tỉnh riêng lẻ. “Rất cần các tỉnh ĐBSCL tiếp tục ngồi lại với nhau, có những cuộc trao đổi thấu đáo, sâu hơn, kỹ hơn về các vấn đề mà quy hoạch tích hợp đã đề ra, những điểm nào là những điểm tốt nhất, khả thi nhất, có thể làm được ngay thì bàn với nhau để thực hiện nhanh nhất. Đề xuất với Nhà nước có những chính sách cụ thể về thời gian, trách nhiệm từng bộ, từng ngành một và những chế tài để thực hiện cho bằng được những gì khả thi cao”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Ngoài việc xây dựng các cơ chế, chính sách để triển khai quy hoạch vùng thì ĐBSCL cũng rất cần xây dựng được các chính sách phù hợp để thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và thể chế để tháo gỡ những nút thắt, thúc đẩy phát triển vùng.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Các tỉnh trong vùng cần quan tâm đến nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển.

“Hậu Giang đã ký kết với Trường Đại học Cần Thơ để tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các trường đại học, cao đẳng cũng cần thay đổi phương pháp đào tạo để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Theo tôi, ngoài sự quan tâm và các chính sách của Trung ương, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hệ thống giáo dục, đào tạo thì mới có thể tìm ra giải pháp tháo nút thắt cho sự phát triển của ĐBSCL”, ông Đồng Văn Thanh chia sẻ thêm.

GS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Với vai trò và tiềm lực quan trọng của ĐBSCL, các chủ trương, định hướng, chiến lược của Đảng và Nhà nước đang là động lực quan trọng cho phát triển mạnh mẽ của vùng trong thời gian tới. Trong đó, có phát triển nguồn nhân lực. Do đó, các bên liên quan cần chủ động và tăng cường công tác quy hoạch, hợp tác, đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển vùng trong bối cảnh mới.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Chúng tôi xây dựng báo báo này để đáp ứng cho nhu cầu đánh giá lại những thách thức và những cơ hội từ khi bản quy hoạch của Chính phủ được công bố. ĐBSCL đang có cơ hội rất lớn, đó là sự sắp đặt lại cấu trúc nền kinh tế. Bản quy hoạch tích hợp này sẽ là định hướng phát triển ĐBSCL từ năm 2021-2030. Các địa phương đang làm quy hoạch chi tiết và những thông tin có đánh giá tác động của những chuyên gia sẽ giúp cho địa phương hoàn thành bản chi tiết của mình. Báo cáo chi tiết về những điểm nút thắt của nền kinh tế ĐBSCL từ đó sẽ xây dựng được những chính sách tốt, hiệu quả và phù hợp hơn trong thời gian tới.

 

Bài, ảnh: NGUYÊN TOÀN

----------------------

Bài 4: Yếu tố để đất Chín Rồng “cất cánh”

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>