ĐBSCL nhìn từ báo cáo kinh tế thường niên 2022

09/08/2022 | 07:28 GMT+7

Bài 2: ĐBSCL tận dụng cơ hội, đảo ngược vòng xoáy đi xuống

Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 2 năm 2022 chỉ ra rằng, miền Tây đang phải đối diện với ít nhất ba “vòng xoáy đi xuống” bao gồm ngân sách, lao động và cấu trúc kinh tế.

Tạo cơ hội việc làm để giữ chân lao động, góp phần hạn chế di cư.

Ba vòng xoáy

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Chủ biên Báo cáo cho rằng, ĐBSCL phải đối diện 11 thách thức lớn nằm ở ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, về kinh tế, thách thức đầu tiên là ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng lại không giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng. Thứ hai, nông nghiệp vùng ĐBSCL chậm hiện đại hóa, nền nông nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào kinh tế nông hộ với diện tích đất canh tác nhỏ và manh mún, là rào cản quan trọng cho việc chuyển trọng tâm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Ngoài ra, tỷ trọng vốn đầu tư của ĐBSCL thấp hơn nhiều so với tỷ trọng đóng góp về GDP hay dân số, thu và chi ngân sách nhà nước trên đầu người của ĐBSCL cũng thấp hơn so với mức bình quân cả nước. Hệ quả là ĐBSCL mặc dù giàu có về tài nguyên, phong phú về tiềm năng nhưng tiếp tục tụt hậu về mặt kinh tế.

“Vòng xoáy về ngân sách nếu được đầu tư tốt hơn ĐBSCL sẽ cải thiện được về hạ tầng, khi có hạ tầng tốt sẽ thu hút đầu tư, người dân không phải di cư và thu nhập tăng lên. Vòng xoáy về lao động tại ĐBSCL là vùng có trình độ thấp, khi có việc làm lao động sẽ được đào tạo và thu nhập cao hơn. Cũng như cơ cấu kinh tế, cấu trúc kinh tế của ĐBSCL bị vòng lặp trong vấn đề sản xuất, nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Trong nông nghiệp với quan điểm, tư duy về an ninh lương thực nếu không tháo gỡ sẽ không thay đổi cơ cấu sản xuất sẽ khó thu được giá trị cao hơn”, ông Nguyễn Phương Lam chỉ ra.

Ngoài ra, báo cáo năm 2022 cũng chỉ ra, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua ĐBSCL có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước, với mức tăng trưởng (GRDP) vùng giảm sâu, -0,43% năm 2021, thấp nhất trong lịch sử phát triển của ĐBSCL. Ngoài ra, giai đoạn 2016-2020 không có thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế của vùng, công nghiệp và thương mại dịch vụ chưa đủ sức để trở thành trụ cột của nền kinh tế, đóng góp của ngành công nghiệp chế biến ngày một suy giảm. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành vốn là thế mạnh của vùng trong nhiều năm qua, nhưng nay đã suy giảm so với các vùng kinh tế khác và các nguồn vốn huy động từ tín dụng, thu hút FDI vẫn còn thấp so với tiềm năng.

Gỡ nút thắt

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng, mặc dù những thách thức này đã được đề cập thời gian qua nhưng đúc kết cho thấy, để “phá vỡ” vòng xoáy này là một trong những mấu chốt cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong vùng, chứ không chỉ riêng của thành phố Cần Thơ. Ông Trường cho rằng, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã xác định được không gian và phân rõ các tiểu vùng, địa phương phải tập trung cho từng lĩnh vực. Nếu triển khai đúng theo quy hoạch thì ngành công nghiệp chế biến sẽ có cơ hội phát triển tích cực, là điều kiện đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng.

Dưới góc độ quốc tế, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam đánh giá, các thách thức về xã hội, kinh tế, môi trường và biến đổi khí hậu không thể được giải quyết bởi một tỉnh hoặc Cần Thơ riêng lẻ. Báo cáo này được đưa ra đúng lúc chính quyền các tỉnh ở đồng bằng sông Mekong đang bắt đầu thiết kế quy hoạch cấp tỉnh, sau quy hoạch tổng thể vùng của Chính phủ vào tháng trước. Báo cáo cung cấp dữ liệu và thông tin phong phú và có giá trị cho mục đích lập kế hoạch.

“Các tỉnh cần hợp tác cùng hành động để đạt được lợi thế quy mô trong đầu tư công, hậu cần, bảo tồn nguồn nước, kiểm soát lũ lụt và phát triển hệ thống sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cần chia sẻ thông tin về nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán trong các quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ở các tiểu vùng sinh thái”, bà Carolyn Turk nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, việc đổi mới chính sách cần xuất phát từ doanh nghiệp, người dân. ĐBSCL cần tự đổi mới các mô hình rồi khuyến nghị chính sách. Bộ sẵn sàng đồng hành cùng với các doanh nghiệp để hình thành một mô hình mới, trong đó ngành nông nghiệp rất trông chờ vào những mô hình đổi mới từ ĐBSCL.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta không phân biệt các lĩnh vực công, tư, bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương. Quy hoạch tích hợp cần mang được giá trị tâm huyết của tất cả các thành phần công, tư, doanh nghiệp, của người dân, của xã hội, của chuyên gia… mới mang lại thành công. Nếu chỉ dừng lại ở một bản quy hoạch tích hợp mà không kích hoạt được cả hệ sinh thái, không có sự tham gia của các doanh nghiệp thì sẽ không đạt được giá trị.

Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen Logistics).

“Cần tạo ra nhiều việc làm cho người dân ở nông thôn để hạn chế việc di dân. Người dân từ đồng bằng sông Cửu Long đổ về Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh bởi người dân ở lại nông thôn không có việc làm, không có thu nhập… Vì vậy, trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới sắp tới các tỉnh, thành cần phải chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời cần phải thay đổi tư duy từ sản lượng lương thực sang giá trị lương thực”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, chỉ ra rằng: Cần hài hòa kinh tế, xã hội, môi trường, từng bước chuyển đổi thứ bậc ưu tiên dựa trên lợi thế so sánh từ lúa gạo, thủy sản, trái cây sang thủy sản, trái cây, lúa gạo. Ngoài ra, chú trọng đến chất lượng và giá trị hơn số lượng, coi nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên quý báu. Đồng thời, tháo gỡ các nút thắt phát triển, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới; hướng đến kinh tế nông nghiệp hiện đại thay cho sản xuất nông nghiệp truyền thống và huy động nguồn lực phát triển cho đồng bằng sông Cửu Long.

ĐBSCL đứng trước một loạt những cơ hội không phải là thách thức. Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, cơ hội đầu tiên đó là tăng trưởng xanh với chuyển đổi số, với kinh tế tuần hoàn, đó là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của đồng bằng. Thứ hai là trong quy hoạch tích hợp thì đưa vào khái niệm đó là hình thành các trung tâm đầu mối; trong đó, có một trung tâm khổng lồ đặt ở Cần Thơ và 7 trung tâm đầu mối ở 7 địa phương khác gắn liền với cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng biển, giao thông và logistics…

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, có 4 mắt xích quan trọng nhất mà nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần phải đảo ngược. Thứ nhất, là cần thay đổi quan điểm về an ninh lương thực và phải kiên quyết giữ diện tích đất lúa. Thứ hai, là đảo ngược tình trạng đầu tư cho vùng ĐBSCL. Một ưu tiên hàng đầu của ĐBSCL trong 10, thậm chí 20 năm tới là khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, đồng thời kết nối thuận lợi với các thị trường chính, cả trong nước và xuất khẩu thì ĐBSCL mới có sức hút với các nhà đầu tư. Thứ ba, là đảo ngược số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Thu hút thêm các dự án đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ góp phần hạn chế di cư. Tìm cách cải thiện kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động trong vùng, để chuẩn bị cho nền kinh tế ĐBSCL trong tương lai. Thứ tư, là giải phóng sức sống của khu vực nông nghiệp và tình trạng suy thoái môi trường...

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Bài 3: Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>