Tiềm năng phục hồi cây có múi tại Hậu Giang

09/12/2021 | 09:27 GMT+7

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây có múi ứng dụng công nghệ tiên tiến tại tỉnh Hậu Giang” do thạc sĩ Trần Văn Phúc chủ nhiệm, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang là tổ chức chủ trì, là một dự án lớn, được kỳ vọng sẽ là nền tảng quan trọng để phục hồi cây có múi tại tỉnh.

Khi có quy trình tốt, cam sành và các loại cây có múi sẽ phát triển hơn trong tương lai.

Dự án ra đời vì người nông dân

Từ trước đến nay, các loại cây có múi như chanh, bưởi, cam, quýt, tắc,... là những loại cây thế mạnh, được nhiều nông dân Hậu Giang lựa chọn trồng để phát triển kinh tế gia đình. Cây có múi tại tỉnh đã từng có một thời vàng son khi được thu mua với giá cao, tạo nên phong trào trồng cây có múi nhất định trong nông dân.

Theo ông Ngô Minh Long, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh: “Cách đây khoảng 5 năm, các loại cây có múi rất phát triển tại tỉnh, nhất là ở các địa phương như huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy. Tuy nhiên về sau, nông dân trồng cây có múi gặp nhiều khó khăn do giá cả xuống thấp, dịch bệnh hoành hành nhiều. Một số nông hộ không thể tiếp tục gắn bó nên đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác ít dịch bệnh và có hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Nhận thấy những khó khăn của người trồng cây có múi, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều sự trợ lực nhất định. Tuy nhiên, để cây có múi được phục hồi và phát triển bền vững, thì phải kiểm soát tốt dịch bệnh trên các cây này. Đồng thời, tạo ra được nguồn cây giống sạch bệnh để hạn chế nguy cơ ngay từ ban đầu. Do đó, sự ra đời của dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây có múi ứng dụng công nghệ tiên tiến tại tỉnh Hậu Giang” vào năm 2016 là một điều vô cùng cần thiết. Dự án này thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” của Bộ Khoa học và Công nghệ, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 7 tỉ đồng, từ ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương, địa phương và các nguồn khác.

Để thực hiện dự án này, Ban chủ nhiệm dự án đã tiếp nhận các quy trình chuyển giao công nghệ để xây dựng vườn đầu dòng, vườn cây con cây có múi đạt chất lượng, cung cấp nguồn bo giống sạch bệnh và cây giống sạch bệnh cho tỉnh Hậu Giang. Từ 1.000 cây đầu dòng S1 (trong đó có 400 cây cam sành, 200 cây cam mật, 400 cây cam xoàn), ban chủ nhiệm dự án đã sản xuất được 460.000 cây giống các loại đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, xây dựng các mô hình trồng cây sạch bệnh, tưới tiết kiệm nước với 10ha cam sành, 15ha cam soàn và 5ha cam mật. Đào tạo các kỹ thuật viên để làm chủ công nghệ, tổ chức sản xuất và chuyển giao kỹ thuật cho nông hộ tham gia dự án. Qua đó, từng bước khắc phục những khó khăn mà nông hộ gặp phải trong quá trình trồng cây có múi.

Mang lại nhiều lợi ích cho nông hộ

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây có múi ứng dụng công nghệ tiên tiến tại tỉnh Hậu Giang” có sự tham gia của 12 nông hộ ở hầu hết các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Tham gia dự án, nông hộ được cung cấp các vật tư, thiết bị, cây giống và thuốc bảo vệ thực vật để thực hiện mô hình, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi, quy trình giám định bệnh và quản lý sâu bệnh, để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Mỗi nông hộ tham gia dự án còn được hỗ trợ một hệ thống tưới phun mưa, giúp người dân giảm công lao động. Ngoài ra, còn có 10ha cam sành được hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP và khoảng 500 nông dân được tập huấn kỹ thuật trồng trọt.

Nhờ tham gia mô hình, được sử dụng cây giống sạch bệnh và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên năng suất của các nông hộ được nâng cao. Cụ thể, năng suất bình quân của các hộ trồng cam sành đạt hơn 24kg/cây, cam xoàn đạt gần 20kg/cây và cam mật đạt hơn 30kg/cây, cao hơn từ 15-20% so với các nông hộ không tham gia dự án. Tình hình dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt khi nhiều biện pháp phòng ngừa, tiêu diệt các loại sâu bệnh như: bọ trĩ, rệp sáp hại rễ, nhện, sâu vẽ bùa, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh vàng lá gân xanh, bệnh loét,... đã được ban chủ nhiệm dự án tập huấn cho người nông dân để áp dụng trên vườn cây của mình.

Theo ông Phan Quốc Thứ, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang, tổ chức chủ trì dự án, cho biết: “Tình hình cây có múi đang gặp nhiều khó khăn, nhưng hiện tại nếu được trồng lại thì những năm tiếp theo sẽ tốt hơn. Do đó, dự án cần nghiên cứu, bổ sung và vận dụng để đưa ra quy trình tốt, phù hợp với tình hình sản xuất của tỉnh để người nông dân áp dụng, đạt được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới”. Có thể thấy, dự án này là một nền tảng kỹ thuật quan trọng để khởi động lại việc trồng cây có múi, mà cụ thể là cây cam sành, cam xoàn, cam mật tại tỉnh Hậu Giang trong tương lai.

Vừa qua, dự án đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh tổ chức đánh giá, nghiệm thu và thông qua. Ban chủ nhiệm dự án đã nhận được nhiều nhận xét, góp ý từ các chuyên gia đầu ngành. Thạc sĩ Trần Văn Phúc, chủ nhiệm dự án, cho biết: Ban chủ nhiệm dự án sẽ gấp rút chỉnh sửa, bổ sung quy trình và hoàn thiện báo cáo tổng kết dự án để chuẩn bị báo cáo cấp Bộ trong thời gian tới.

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây có múi ứng dụng công nghệ tiên tiến tại tỉnh Hậu Giang” có sự tham gia của 12 nông hộ ở hầu hết các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Tham gia dự án, nông hộ được cung cấp các vật tư, thiết bị, cây giống và thuốc bảo vệ thực vật để thực hiện mô hình, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi, quy trình giám định bệnh và quản lý sâu bệnh, để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Mỗi nông hộ tham gia dự án còn được hỗ trợ một hệ thống tưới phun mưa, giúp người dân giảm công lao động. Ngoài ra, còn có 10ha cam sành được hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP và khoảng 500 nông dân được tập huấn kỹ thuật trồng trọt.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>