Thêm trợ lực cho nông nghiệp

14/04/2022 | 09:06 GMT+7

Đề tài “Phát triển phần mềm hệ thống giám sát và cảnh báo sớm rủi ro dịch bệnh phục vụ cho ngành nông nghiệp ở tỉnh Hậu Giang”, được kỳ vọng sẽ góp thêm trợ lực cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Cây khóm là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh được đề tài chọn làm đối tượng nghiên cứu.

Phần mềm cần thiết cho nông nghiệp

Nông nghiệp tỉnh nhà đang được đầu tư, phát triển theo hướng hiện đại hóa. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi vẫn là một vấn đề nan giải, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân.

Theo báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh có 43.144ha cây lúa, 4.689,8ha cây có múi, 1.858,1ha cây mít, 1.065,3ha cây khóm, 1.641,9ha rau các loại,... bị nhiễm sinh vật hại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất, chất lượng sản xuất của người dân.

Trước thực trạng này, năm 2020, tỉnh đã triển khai thực hiện đề tài “Phát triển phần mềm hệ thống giám sát và cảnh báo sớm rủi ro dịch bệnh phục vụ cho ngành nông nghiệp ở tỉnh Hậu Giang”. Đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, do TS. Nguyễn Văn Hồng làm chủ nhiệm, Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, là tổ chức chủ trì.

Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá chung về tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng của các yếu tố khí tượng đến các loại dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, như: dịch bệnh Greening trên cây có múi; rệp sáp, bệnh thúi rễ trên cây mãng cầu; rệp sáp, bệnh héo đỏ trên cây khóm; sâu ăn lá, bệnh giả sương mai trên bầu, bí, dưa; bệnh dịch tả châu Phi, bệnh dịch tả tai xanh trên heo; bệnh đốm đỏ, bệnh nấm thủy mi, bệnh đường ruột trên thủy sản. Đánh giá hiện trạng nhu cầu sử dụng thông tin và thực trạng cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và các sinh vật gây hại, chủ yếu trên các loại cây trồng, được thể hiện trên bản tin.

Dựa trên những cơ sở đó, đề tài đã xây dựng quy trình thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo sớm các thông tin rủi ro khí hậu và sinh học gây hại trên nền GIS ở cấp tỉnh. Theo GS.TS Võ Quang Minh, nguyên Trưởng Bộ môn Tài nguyên Đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ: “Hậu Giang là tỉnh đi đầu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong việc phát triển phần mềm giám sát và cảnh báo rủi ro dịch bệnh để phục vụ cho nông nghiệp. Phần mềm này là một điểm mới không chỉ của tỉnh mà còn để các tỉnh, thành khác tham khảo, ứng dụng”.

Quan trọng là ứng dụng vào thực tế

Hệ thống giám sát và cảnh báo rủi ro dịch bệnh phục vụ cho nền nông nghiệp của tỉnh có mô hình kiến trúc tổng thể được xây dựng theo mô hình khách - chủ được áp dụng phổ biến của các trang web hiện nay. Hệ thống thu thập các dữ liệu thời tiết như: nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm không khí,... Từ đó, tính toán điều kiện thời tiết thích hợp cho sự xuất hiện của các loại sâu và bệnh gây hại cho cây trồng, vật nuôi. Người dùng có thể lựa chọn các loại sâu bệnh của từng loại cây trồng, vật nuôi, nếu khu vực nào có điều kiện thích hợp cho sự phát sinh, phát triển của chúng sẽ được chuyển sang màu đỏ.

Với hệ thống này, người dùng có thể truy vấn dữ liệu thời tiết, xem diễn biến của các loại hình sâu bệnh theo thời gian tại một điểm. Các thông tin này được lưu trữ và hiển thị trên hệ thống webGIS. Đồng thời, được sử dụng để tạo lập và cung cấp các kết quả này dưới dạng các bản tin nông nghiệp và được gửi đến người sử dụng hoàn toàn tự động. Do đó, không chỉ giúp người nông dân dễ dàng cập nhật thông tin cảnh báo sớm rủi ro dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi, mà hệ thống còn trợ lực cho các đơn vị chuyên môn của ngành nông nghiệp trong công tác quản lý, cảnh báo dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Tuy được thiết kế công phu với nhiều tính năng, nhưng khả năng ứng dụng thực tế của hệ thống mới là điều quan trọng nhất. Theo nhận định của GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ: “Chất lượng của một phần mềm không chỉ đơn thuần là phần mềm thuận tiện cho người sử dụng, mà còn phải có tính chính xác với thực tế”. Do đó, nhóm nghiên cứu cần tiến hành giám sát, điều tra thực tế để chứng minh tính chính xác và hiệu quả mà ứng dụng mang lại. Đồng thời, cần phải thực hiện tốt việc chuyển giao cho cơ quan, đơn vị ứng dụng.

Sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của tỉnh, tổ chức một buổi tập huấn cho các cán bộ ngành, chuyên ngành để nắm rõ hơn về cách sử dụng phần mềm. TS. Nguyễn Văn Hồng, chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Sau khi tập huấn, chúng tôi sẽ tiến hành chỉnh sửa, cập nhật phần mềm, trao đổi với đơn vị tiếp nhận để phân quyền cho các cán bộ chuyên ngành, tiếp tục hỗ trợ để tỉnh ứng dụng phần mềm có hiệu quả”.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>