Quan tâm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

07/12/2021 | 10:10 GMT+7

Những năm qua, Hậu Giang đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nhờ đó, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm sáng tạo hoặc sáng chế của mình.

Các loại nông sản của Hợp tác xã Nông sản an toàn Long Trị A, thị xã Long Mỹ được nâng tầm giá trị sau khi đăng ký quyền sở hữu công nghiệp.

Giúp giữ vững thương hiệu

Được thành lập từ cuối tháng 7-2020, đến nay Hợp tác xã Nông sản an toàn Long Trị A, thị xã Long Mỹ đã có 34 thành viên, với diện tích sản xuất 21,8ha và sản lượng dự kiến hơn 1.200 tấn mỗi năm. Các loại nông sản của hợp tác xã như dưa hấu, xà lách, cải ngọt, cải xanh, đều được trồng theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm ảnh hưởng môi trường. Do đó, Hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, đang hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP.

Chưa dừng lại ở đó, hợp tác xã còn quan tâm đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu Rau ăn lá Bình Ký và Dưa hấu hạt lép. Ông Hồ Ngọc Bình, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn Long Trị A, chia sẻ: Chúng tôi trồng nông sản theo hướng an toàn, nên luôn tự tin với sản phẩm mà mình làm ra. Nhưng chúng tôi cũng sợ tình trạng người ta lấy hàng ở chỗ khác bán rồi nói của mình, lỡ như hàng không chất lượng hay người dùng bị ngộ độc thực phẩm, là mình bị mang tiếng. Chúng tôi quyết định đăng ký nhãn hiệu cho các loại nông sản của mình để tạo dựng thương hiệu, dễ liên kết, buôn bán với các doanh nghiệp. Giúp các loại nông sản, nhất là dưa hấu của chúng tôi dễ tiêu thụ hơn trên thị trường để làm cơ sở mở rộng sản xuất trong tương lai.

Không chỉ có Hợp tác xã Nông sản an toàn Long Trị A, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã được Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Sở đã hướng dẫn 20 tổ chức, cá nhân. Tính đến hết tháng 10, Cục Sở hữu trí tuệ đã chấp nhận 47 đơn và cấp 49 văn bằng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý,... Các đối tượng được đăng ký bảo hộ rất đa dạng từ nông sản, thực phẩm, mỹ phẩm cho đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo bà Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Các tổ chức, cá nhân đến để được hướng dẫn đăng ký sở hữu công nghiệp ngày càng tăng lên. Số đơn đăng ký được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn và cấp văn bằng bảo hộ ngày càng nhiều. Điều này cho thấy sự quan tâm, chú trọng của các tổ chức, cá nhân, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp.

Được quan tâm, hỗ trợ

Những năm qua, Hậu Giang đã có nhiều sự quan tâm, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Từ năm 2017, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 824 về chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017-2020”. Đến năm 2021, thực hiện Quyết định số 1068 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 66 ngày 12/4/2021 về triển khai, thực hiện “Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2030”.

Chiến lược nhằm phát triển đồng bộ hệ thống sở hữu trí tuệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Phát huy lợi thế của địa phương, quảng bá hình ảnh, con người Hậu Giang, góp phần bảo vệ, phát huy quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Tạo chuyển biến trong nhận thức về sở hữu trí tuệ của các chủ thể nhằm hướng tới hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ. Từ đó, đưa sở hữu trí tuệ trở thành động lực tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bà Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu và triển khai, thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thực hiện hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ đối với các sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực, sản phẩm dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP - Mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm.

Với sự quan tâm, phối hợp thực hiện từ nhiều phía, quyền sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng được quan tâm và phát huy hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Cục Sở hữu trí tuệ đã chấp nhận 47 đơn và cấp 49 văn bằng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Tính đến hết tháng 10, Cục Sở hữu trí tuệ đã chấp nhận 47 đơn và cấp 49 văn bằng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý,... Các đối tượng được đăng ký bảo hộ rất đa dạng từ nông sản, thực phẩm, mỹ phẩm cho đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>