Quản lý, kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại

15/12/2021 | 08:16 GMT+7

Ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Theo Luật Đa dạng sinh học (2008), loài ngoại lai là loài sinh vật xuất hiện và phát triển ở khu vực vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của chúng. Loài ngoại lai xâm hại là loài lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển.

Các loài sinh vật ngoại lai xâm hại sinh sản rất nhanh, thích ứng nhanh với những thay đổi của môi trường, chúng có thể gây hại đến các loài bản địa như: cạnh tranh nguồn thức ăn, môi trường sống, làm suy giảm nguồn gen, phá hủy hoặc làm thoái hóa môi trường sống; truyền bệnh và ký sinh trùng,... gây tổn thất về các giá trị đa dạng sinh học, làm tổn thất không nhỏ về kinh tế, sức khỏe và làm giảm năng suất nông nghiệp.

Một số loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại thường gặp:

1. Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata)

- Ốc bươu vàng là loài ăn thực vật, phàm ăn, ăn rất khỏe. Thức ăn chính là cây lúa non, các lá cây thủy sinh mềm.

- Có khả năng thích nghi rộng, sống được ở nhiều môi trường nước khắc nghiệt, có thể sống trên cạn hay vùi sâu một thời gian khi điều kiện sống không thuận lợi. Có khả năng sinh sản rất nhanh, một con ốc cái đẻ được 10 - 13 ổ trứng (khoảng 1.000 - 1.200 trứng/tháng).

- Cạnh tranh môi trường sống, thức ăn với các loài thủy sản bản địa. Ốc càng lớn gây hại càng mạnh.

2. Rùa tai đỏ (Trachemys scripta)

- Có ngoại hình khá sặc sỡ với các đường vân bắt mắt. Đặc biệt, hai bên đầu rùa có hai sọc đỏ rất đặc trưng.

- Khả năng thích nghi cao. Khi rùa tai đỏ xâm nhập vào nơi ở mới, chúng sẽ nhanh chóng phát triển và hình thành quần thể theo hướng tự nhiên hóa, chúng sẽ đe dọa các loài rùa bản địa và một số động vật thủy sinh khác. Tốc độ sinh sản nhanh hơn so với nhiều loài rùa bản địa. Một rùa cái trưởng thành tần suất sinh sản 5 lần/năm, với số lượng 30 trứng/lần. Ngoài ra, kích cỡ khá lớn của rùa tai đỏ cái có thể thu hút rùa đực khác loài, dẫn đến tình trạng làm loãng gen của rùa bản địa.

- Là loài hung dữ, ăn tạp. Thức ăn gồm côn trùng, tôm, giun, ốc sên, lưỡng cư và cá con cũng như thực vật thủy sinh - vì thế rất nguy hại cho môi trường tự nhiên; là loài mang theo mầm bệnh giun tròn.

3. Cá tỳ bà/Cá lau kiếng/Cá dọn bể

- Là loài ăn tạp, phàm ăn, cạnh tranh thức ăn với các loài khác, sinh sản nhanh khi phát tán ra ngoài thủy vực tự nhiên. Có khả năng thích nghi mạnh với môi trường nên gây thay đổi chuỗi thức ăn, làm mất cân bằng sinh thái, thay đổi cấu trúc thành phần loài của hệ sinh thái.

- Cơ thể của cá chủ yếu là xương và vỏ cứng, phần thịt rất ít, vây và lớp vỏ của cá cứng, cực sắc nhọn. Cá lớn hay nhỏ đều có thể tiếp cận loài cá khác hút chất nhầy trên da, làm các loài cá khác giảm khả năng phát triển và chết.

4. Cá hổ (Pygocentrus nattereri)

- Là loài cá dữ, ăn động vật và phàm ăn. Có răng khỏe, thính giác rất phát triển, cá săn mồi tích cực vào ban ngày.

- Cá đẻ trứng ở rễ của các cây thủy sinh và trứng được cá bố mẹ bảo vệ. Trung bình, mỗi lần cá đẻ được khoảng 2.000 - 4.000 trứng.

- Cá hổ cạnh tranh về thức ăn và nơi ở, tiêu diệt các loài cá bản địa, làm thay đổi cấu trúc thành phần loài của hệ sinh thái.

5. Cá rô phi đen (Oreochromis mossambicus)

- Là loài ăn tạp, thức ăn từ tảo đến côn trùng…

- Cá sinh trưởng rất nhanh, cá đực lớn nhanh hơn cá cái. Chúng sinh sản quanh năm, mỗi năm cá cái đẻ 5 - 6 lần.

- Chúng nhanh chóng tạo thành các quần thể đông dẫn đến cạnh tranh nơi sống, thức ăn với loài thủy sản bản địa, gây ra hiện tượng thiếu thức ăn trong các thủy vực sinh sống hoặc ăn thịt các loài bản địa.

6. Cá ăn muỗi (Gambusia affinis)

- Cá ăn muỗi là loài sống ở đáy, không có đặc tính di cư, sống trong các thủy vực nước ngọt và nước lợ có pH từ 6 - 8 và ở nhiệt độ thường từ 12-290C. Cá ăn muỗi là một loại cá có khả năng chịu đựng cao: có thể sống sót ở môi trường ít oxy, nồng độ muối cao và nhiệt độ có thể lên đến 420C. Cá ăn muỗi ưa thích sống trong các thủy vực nước chảy chậm và trong  các ao hồ. Thức ăn của cá ăn muỗi là động vật nguyên sinh, côn trùng nhỏ và mảnh vụn hữu cơ. 

- Cá ăn muỗi trưởng thành hung dữ và đôi khi tấn công giết chết các loài cá khác. Ở một số thủy vực cá ăn muỗi tiêu diệt muỗi không tốt bằng các loài cá bản địa và trong quá trình cạnh tranh đã loại bỏ mất các loài cá bản địa. Cá ăn muỗi không có tính chọn lọc thức ăn nên có tác động làm thay đổi quần thể một số loài động vật phù du, côn trùng và giáp xác. Cá ăn muỗi là vật chủ tiềm tàng của giun sán ký sinh, nguồn lây lan bệnh gây hại cho các loài cá bản địa.

7. Tôm hùm đất - Tôm càng đỏ

Tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, kiểm soát sự phát triển của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại là một trong những nhiệm vụ đang được các cấp, các ngành liên quan chú trọng thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, biện pháp phòng ngừa được ưu tiên hàng đầu, vì một khi sinh vật ngoại lai xâm hại đã thích nghi và phát triển thì chi phí để tiêu diệt chúng là rất lớn và hầu như rất khó tiêu diệt hoàn toàn.

Thực tế cho thấy, việc ngăn chặn hiệu quả phát triển của các loài sinh vật ngoại lai phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và sự tham gia chủ động của người dân. Các tổ chức, cá nhân, phải có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý các loài ngoại lai, loài ngoại lai xâm hại, nâng cao nhận thức và ý thức về tác động của sinh vật ngoại lai đến đời sống, kinh tế, xã hội, môi trường; trong kiểm soát, diệt trừ sinh vật ngoại lai xâm hại; khi phát hiện loài sinh vật ngoại lai xâm hại phải thông báo ngay tới cơ quan chức năng gần nhất để có biện pháp xử lý và kiểm soát kịp thời. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân không được nuôi trồng, sử dụng sinh vật ngoại lai xâm hại vào các mục đích có thể gây nguy cơ phát tán như: làm cảnh, làm thực phẩm…

CHI CỤC CHĂN NUÔI, THÚ Y - THỦY SẢN TỈNH HẬU GIANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>